Với ngân hàng, chữ Tín là vô giá
Tin vui cho khách hàng gửi tiết kiệm ngân hàng | |
Maritime Bank trao quyền giám sát cho khách hàng | |
Tra cứu tiền gửi tiết kiệm tại Sacombank |
Thực ra đây không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng trong bối cảnh khoản tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng của một khách hàng gửi tại Eximbank “biến mất” đã khiến khách hàng không khỏi lo lắng. Chính vì thế, việc NH cung cấp dịch vụ cho phép người gửi tiền có thể giám sát tiền gửi của mình giống như “liều thuốc” trấn an tâm lý khách hàng.
Ảnh minh họa |
Gần đây nhất, hôm 1/3, Maritime Bank công bố phương thức kiểm tra sổ tiết kiệm trực tuyến. Dịch vụ cho phép khách hàng có thể kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm của mình mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần truy cập website của NH, nhập một số thông tin cá nhân được bảo mật khác, khách hàng sẽ tra cứu được mọi thông tin của sổ bao gồm: tên chủ thẻ, số tiền gốc ban đầu, tiền gốc hiện tại, ngày gửi, ngày đáo hạn, kỳ hạn, lãi suất…
Tương tự như vậy, VietABank đã chính thức mở trang công cụ tra cứu sổ tiết kiệm trên website www.vietabank.com.vn. Hay khách hàng của Sacombank cũng có thể tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web http://khachhangthanthiet.sacombank.com.
Với khách hàng của TPBank thì việc kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm đơn giản hơn, chỉ cần quét mã QR. Bởi thông tin trên sổ tiết kiệm được TPBank mã hóa theo thuật toán riêng trước khi chuyển thành QR code. Chỉ các sổ tiết kiệm được in ra từ hệ thống Core Banking của TPBank thì mới có mã QR. Khi khách hàng quét mã QR được in trên sổ, các thông tin được giải mã, truy vấn dữ liệu trên máy chủ của NH. Khi đó, ứng dụng sẽ tự động kết nối với máy chủ của NH và hiển thị toàn bộ các thông tin về sổ tiết kiệm, gồm số sổ, số tài khoản, số tiền gửi, kỳ hạn gửi, lãi suất, ngày gửi, ngày đáo hạn… và cả trạng thái sổ tiết kiệm có đang bị phong tỏa hay không. Nếu sổ tiết kiệm đang có trên hệ thống thì mới hiển thị thông tin, còn không người tra cứu chỉ nhận được thông báo “Sổ tiết kiệm không tồn tại hoặc đã tất toán”.
PG Bank cũng ứng dụng QR để cung cấp dịch vụ này từ tháng 11/2017. Bên cạnh đó, PG Bank cũng hỗ trợ khách hàng tra cứu qua website https://www.pgbank.com.vn và qua tổng đài dịch vụ khách hàng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một NHTM lớn cho biết dịch vụ này khá đơn giản, cũng không tốn nhiều chi phí của NH. Nhưng hiện đại có thể sẽ “hại điện” như: nếu cùng lúc có nhiều khách hàng truy cập thông tin sẽ gây ra hiện tượng tắc nghẽn, khiến khách hàng bỗng dưng phải lo lắng không cần thiết. Chưa kể, việc truy cập có thể tiến hành qua điện thoại, qua bất cứ máy tính có kết nối internet nào. Do đó nếu khách hàng mất điện thoại hay lộ thông tin cá nhân thì khá rủi ro.
Thực tế không chỉ các NH công bố dịch vụ truy cứu trên mà với bất cứ NH nào việc lưu trữ thông tin tiền gửi của khách hàng, bất kể khách hàng đó có phải VIP hay không, gửi bao nhiêu tiền ở NH… tài khoản đều được mã hóa bằng ký tự, con số và có mật khẩu. Không phải ai cũng có quyền truy cập những thông tin đó, việc truy cập luôn để lại dấu vết. Nếu người truy cập không đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ bị xử lý. Vị này cho biết đã có nhân viên bộ phận công nghệ thông tin của NH bị đuổi việc chỉ vì tò mò thử đăng nhập vào một tài khoản của khách hàng. Ông tâm sự, "không phải ai cũng có tiền tỷ gửi NH chứ đừng nói là hàng trăm tỷ. Song vấn đề ở đây không phải tiền nhiều hay ít, mà là chữ tín của NH. Chúng tôi kinh doanh dựa trên chữ tín. Nếu để xảy ra mất mát, dù một đồng của khách hàng cũng có thể ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh, thương hiệu của NH. Vì thế, việc bảo vệ thông tin khách hàng, đảm bảo lợi ích cho khách hàng cũng chính là bảo vệ sự tồn tại, thịnh vượng của NH...”.
Về phía cơ quan quản lý, trả lời báo giới tại buổi họp báo Chính phủ vừa qua Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định: “Quan điểm của NHNN và Eximbank là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền phải là ưu tiên hàng đầu”.