Vốn ngân hàng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Hòa Bình
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh - Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi làm việc |
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình, năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực cố gắng, các TCTD trên địa bàn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, tính đến 30/9/2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 11.740 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm 31/12/2014. Trong đó: Dư nợ cho vay các đối tượng ưu đãi và chính sách xã hội đạt 2.080 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt 7.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66%/tổng dư nợ.
Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn tích cực điều chỉnh cơ cấu tín dụng hợp lý theo hướng vốn tín dụng được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ; qua đó góp phần phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định, trong những năm qua, các TCTD trên địa bàn đã rất tích cực cung cấp vốn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra các chỉ tiêu về kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,5% - 9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm bằng khoảng 35% GRDP. Thu ngân sách Nhà nước tăng 17%/năm. Đến năm 2020: GRDP bình quân đầu người đạt 60 - 65 triệu đồng; cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: Công nghiệp - xây dựng 57,8%, dịch vụ 26,4%, nông nghiệp 15,8%; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả tăng gấp 2 lần so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 40% trở lên...
Để thực hiện được mục tiêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh cho rằng, bài toán đầu tiên là vấn đề nguồn vốn và đề nghị ngành Ngân hàng trong thời gian tới tăng cường hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư đến Hòa Bình và cung cấp vốn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010-2015, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới, cùng kết quả đạt được của các TCTD trên địa bàn trong thời gian qua.
Thống đốc cho rằng, Hòa Bình là một tỉnh nghèo, dân tộc thiểu số chiếm 72% nhưng đã đạt được các chỉ tiêu về kinh tế rất tốt. Điều đó thể hiện sự nỗ lực lớn của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Thống đốc cũng rất ấn tượng với chất lượng giáo dục của Hòa Bình, trong điều kiện cơ sở vật chất hết sức khó khăn nhưng tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp các cấp học, bậc học đạt tỷ lệ trên 98% và là tỉnh thứ hai trong cả nước được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh về vấn đề cho vay không có tài sản thế chấp, Thống đốc đề nghị các TCTD chủ động tích cực, phân tích thật kỹ tính hiệu quả của dự án, nếu hiệu quả thì cho vay. Dẫn chứng về vấn đề cho vay tín chấp, Thống đốc cho biết, để khuyến khích mô hình sản xuất liên kết quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ. Hiện nay, chương trình đã lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố.
Đối với chương trình này, ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp, không phải chỉ vài chục mà hàng trăm tỷ đồng để doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi liên kết. Theo đó, doanh nghiệp sẽ lo giống, quy trình chăm sóc, tiêu thụ, còn người nông dân có đất, bỏ công chăm sóc. Trong số hơn 5.000 tỷ đồng các NHTM cam kết tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, đến nay đã giải ngân trên 4.000 tỷ đồng.
Gợi ý cho một số định hướng phát triển kinh tế của Hòa Bình trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, Hòa Bình cần tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, cả trồng trọt và chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, liên kết chặt chẽ từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến xây dựng thương hiệu hàng hóa và tiêu thụ theo chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích.
Thống đốc đề nghị, cần tổ chức lại sản xuất cây đặc sản là cam, bưởi, phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng phải hình thành chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, chú trọng tận dụng, khai thác tiềm năng du lịch, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh phát triển du lịch trong mối liên kết với Thủ đô Hà Nội...