Vốn ngoại vẫn đổ dồn
Vốn ngoại vẫn kỳ vọng ở Việt Nam | |
Vốn ngoại và những nét chấm phá | |
Thị trường chứng khoán: Vốn ngoại thoái tiếp gần 500 tỷ đồng |
Ngày 11/5, TTCK mang đến nhiều cao trào cho NĐT, vì không những chinh phục thành công ngưỡng 610, VN-Index đã nhanh chóng bứt phá vào thời điểm cuối phiên và ghi nhận mức tăng hơn 9 điểm.
Đóng cửa, VN-Index đạt 614,06 điểm, HNX-Index nhích 0,21 điểm lên 80,41 điểm. Sự tăng điểm mạnh mẽ của các chỉ số được dẫn dắt của VNM ở mức tăng 3.000 đồng, hàng loạt mã khác đều tăng mạnh như VIC tăng 1.500 đồng, GAS tăng 1.000 đồng, BVH tăng 2.000 đồng. Bên cạnh đó, khá nhiều mã leo dốc ấn tượng như CTD tăng 10.000 đồng, VCS tăng 4.600 đồng.
Hoạt động mạnh mẽ của khối ngoại và việc giải tỏa các lo ngại lớn về vĩ mô lại thôi thúc sự hứng khởi của NĐT |
Đối với giao dịch của khối ngoại, hôm qua khối này bán ròng khá mạnh trên sàn HoSE với giá trị lên tới 198 tỷ đồng. Đây là phiên khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn mua ròng với giá trị hơn 7 tỷ đồng trên sàn HNX. Điều này chứng tỏ việc bán ròng của khối ngoại trên sàn HoSE chỉ là chiến lược ngắn hạn, không tác động mạnh tới tâm lý NĐT.
Đồng thời, như đã biết, thời gian qua khối ngoại có những phiên mua ròng rất mạnh, tạo cơ sở cho NĐT trong nước vững tâm lý đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể, dựa theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, so với cuối năm 2015, bối cảnh TTCK Việt Nam hiện tại đã có những thay đổi rất rõ nét. Các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, lãi suất USD, thương mại với Trung Quốc và sự rút lui của dòng vốn ngoại hiện đã không còn là yếu tố cản bước.
Thay vào đó, hoạt động mạnh mẽ của khối ngoại và việc giải tỏa các lo ngại lớn về vĩ mô lại thôi thúc sự hứng khởi của NĐT. Trong tháng 4, VN- Index tăng 2,7%, đánh bại hoàn toàn ngưỡng cản tâm lý 580 điểm, và HN-Index cũng tăng 2%. Dù giá trị mua tích lũy từ đầu năm vẫn âm khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng nếu loại trừ giao dịch từ việc chuyển đổi trái phiếu VIC, NĐT nước ngoài đã quay lại mua ròng 1.237 tỷ đồng trong tháng 4.
Không tính giao dịch của VIC, bốn tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng 1.086 tỷ đồng. Theo ghi nhận của giới phân tích, mặt bằng P/E hấp dẫn, sự cởi mở hơn về room là động lực chính cho sự trở lại của khối ngoại.
Một điểm khá chắc chắn về hoạt động lâu dài của khối ngoại tại Việt Nam được tính đến đó là dòng vốn ngoại đổ vào theo hình thức quỹ đầu tư tăng khá mạnh. Đơn cử, hiện nay, chỉ tính riêng quỹ SSIAM, tổng giá trị tài sản của SSIAM vào khoảng 6.200 tỷ đồng, trong đó có khoảng 4.000 tỷ đồng là vốn của NĐT nước ngoài và theo chia sẻ của lãnh đạo quỹ này thì con số vẫn tăng lên theo từng ngày.
Được biết, để đạt được điều này, SSIAM đã kết hợp với 1 thành viên của Tập đoàn Daiwa (Nhật Bản) hoạt động trong ngành quản lý quỹ để liên tục giới thiệu với NĐT châu Âu, Á các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, dễ nhận thấy điểm thu hút của Việt Nam mà khối ngoại nhắm tới đó là hạ tầng và nông nghiệp. Theo chia sẻ một lãnh đạo SSI, sắp tới đây cơ sở hạ tầng sẽ không được hưởng nhiều vốn ODA nữa, nhưng nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn rất cao, vì đây là ngành duy trì được tăng trưởng cho nền kinh tế.
Khi không còn nhiều vốn ODA sẽ phải dùng đến vốn tư nhân. Xu hướng này sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư tốt hơn, gián tiếp giúp ICOR giảm xuống. Hiện nay 90% dân số Việt Nam có liên quan đến ngành nông nghiệp, việc đầu tư vào ngành này không chỉ mang lại hiệu quả, lợi nhuận mà còn đem lại lợi ích xã hội, an dân, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển ổn định.
Xu hướng tiêu dùng và thực trạng về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc cho ngành nông nghiệp. Đây chính là cơ sở để kỳ vọng dòng vốn ngoại thời gian tới có thể đổ dồn, kích thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ.
Rõ ràng, đối với NĐT, hiện tại, thị trường đang đối diện với nhiều thông tin tích cực, nhất là khi Chính phủ nhiệm kỳ mới đang liên tục phát đi những thông điệp như cải thiện môi trường đầu tư để đón TPP, hỗ trợ thị trường vốn, tái cấu trúc DNNN, giảm lãi suất… Trong đó, việc giảm lãi suất dù chỉ tập trung cho một số ngành ưu tiên nhưng là động thái mang tính định hướng có thể tạo ra hiệu ứng tốt lên thị trường. Bên cạnh đó, việc nới room cho NĐT nước ngoài vẫn là vấn đề sát sườn tiếp tục được đón chờ trong tháng 5.
Theo đó, trong tháng này, hai DN lớn của nhóm VN30 là VNM và BVH tổ chức kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2015 sẽ là tác nhân lớn để những NĐT để ý. Hiện tại, VNM đã rút hết bảy ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Với vai trò là cổ phiếu hàng đầu, việc nới room của VNM cũng là điều được rất nhiều NĐT nước ngoài kỳ vọng đồng thời trở thành hình mẫu cho các DN khác.
Suy cho cùng, với thanh khoản tốt và hoạt động sôi nổi của khối ngoại thời gian gần đây, thị trường có thể sẽ duy trì được sự hứng khởi trong phần lớn thời gian của tháng 5. Dù vậy, khi các điều kiện hội đủ và sự tích cực lan truyền sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng là lúc thị trường đối diện với khả năng chốt lời. Do đó, giao dịch trên thị trường có thể sẽ không hình thành được xu hướng rõ ràng trong tháng 5.
Đồng thời, có khả năng sẽ xuất hiện một vài phiên giằng co kịch tính giữa bên mua và bên bán. Hai rủi ro có thể ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường tháng này là khả năng thanh khoản suy giảm, và sự yếu đi của nhóm cổ phiếu lớn. Đây là điểm NĐT có thể cân nhắc và thận trọng.
Tuy nhiên, nếu khối lượng giao dịch trong những ngày đầu tháng 5 tiếp tục giữ vững ở mức cao thì đây sẽ là dấu hiệu tốt để NĐT mạnh dạn tăng tỷ trọng cổ phiếu giao dịch ngắn hạn. Theo các chuyên viên phân tích, sự cộng hưởng của khối ngoại và thông tin nới room sẽ giúp nhóm cổ phiếu này duy trì sức mạnh đến hết tháng.