Vốn vay ưu đãi giúp nông dân nghèo Hậu Giang phát triển sản xuất
Từ một tỉnh với rất nhiều khó khăn khi mới chia tách, giờ đây Hậu Giang đang từng ngày, từng giờ đổi thay...
Đến xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ một xã khó khăn của tỉnh Hậu Giang. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xã, đồng chí Phạm Hoàng Khâm - Chủ tịch UBND xã Xà Phiên chia sẻ: “Kinh tế - xã hội của xã phát triển được như ngày hôm nay cũng là nhờ vốn vay chính sách. Trước kia người dân nơi đây chỉ biết sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, mang tính tự cấp tự túc nên cái nghèo cứ theo chân đồng bào nơi đây. Từ khi có NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, mỗi năm xã được phân bổ nguồn vốn để cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân phát triển kinh tế. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, với nguồn vốn được phân bổ trên 4 tỷ đồng cho toàn xã, các hộ dân vay vốn đầu tư mua lợn, đào ao thả cá, trồng cam, bưởi”.
Dừng chân trước ngôi nhà vừa mới được xây dựng của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Trịnh Tú Tài ở ấp 5, xã Xà Phiên, chúng tôi đã nghe tiếng thảo luận sôi nổi của các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Thấy chúng tôi tới thăm nhà, chị Tài hồ hởi cho biết: “Mình làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã hơn 10 năm, hiện tại trong tổ có 46 tổ viên, dư nợ tại NHCSXH huyện Long Mỹ gần 1,3 tỷ đồng. Những năm trước đây, bà con trong ấp vay vốn NHCSXH rất ít, vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi còn gì để mang lại thu nhập. Cán bộ NHCSXH huyện Long Mỹ cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay chính sách thì ngày càng có nhiều hộ vay vốn".
Thật đáng mừng là từ khi tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, bà con vay vốn nhiều hơn, biết đầu tư đúng hướng, mang lại thu nhập. Nhìn các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đang say sưa thảo luận về các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay đang đến với các ấp ở xã Xà Phiên, đổi thay đến từ các chương trình tín dụng chính sách mà từng cán bộ NHCSXH huyện Long Mỹ đang ngày đêm âm thầm và bằng một quyết tâm cháy bỏng để giúp bà con nơi đây thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục hành trình đến phường 3, TP Vị Thanh (Hậu Giang), anh Cao Văn Kiều - Chủ tịch UBND phường tươi cười cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và NHCSXH, bà con đồng bào dân tộc Khmer tại phường 3 có được nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi mà nhiều hộ dân tại các khu vực trong phường có tiền đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể, bình quân mỗi năm phường được NHCSXH phân bổ nguồn vốn ưu đãi từ 3 tỷ đồng cho bà con vay vốn để làm ăn, với số tiền đó chúng tôi đã phân bổ đến từng khu vực, từng hội, đoàn thể cho các hộ dân có nhu cầu vay vốn. Nếu không được sự hỗ trợ của vốn vay chính sách, không biết tới bao giờ các hộ dân nghèo ở phường mới có thể phát triển được”.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ dân vay vốn từ NHCSXH, anh Hồ Hoàng Liệt - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu vực 5, phường 3 cho biết: “Đối với nguồn vồn từ NHCSXH, căn cứ vào nhu cầu đầu tư của bà con và mục đích xin vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ tổ chức họp và bình xét một cách công khai, dân chủ, đồng thời thu thập ý kiến, nguyện vọng của dân để ưu tiên hỗ trợ theo nhu cầu thiết thực của họ.
Sau đó trình lên UBND phường phê duyệt mới được vay vốn từ NHCSXH. Bởi vậy, đồng bào phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình, rất nhiều hộ đã thoát nghèo từ vốn vay NHCSXH.
Bên cửa hàng tạp hóa khá khang trang vừa mới mở cửa, anh Danh Mỹ, dân tộc Khmer tươi cười cho biết: “Được vay NHCSXH 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn, vợ chồng mình đã sửa chữa cửa hàng và mua các loại nhu yếu phẩm về phục vụ bà còn, ở nơi khó khăn này, có được cửa hàng buôn bán như thế này là tốt lắm rồi, vốn vay từ NHCSXH giúp nhà mình đó”.
Khu vực này những năm trước đây còn heo hút với những ngôi nhà lụp xụp dọc theo các kênh, rạch, đồng bào dân tộc Khmer sống dựa vào làm thuê, làm mướn. Nhưng nay, mọi thứ đã đổi thay, nhờ có các chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi mang đến cho nơi đây một sự đổi thay diệu kỳ, người dân sống quần tụ, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được áp dụng”.
Đang chăm sóc đàn trâu của mình, anh Lê Ngọc Nhe ở khu vực 5, phường 3 cho biết: “Có được đàn trâu 5 con này là từ vốn vay chính sách đấy, những năm trước đây gia đình mình thuộc diện hộ nghèo của phường, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng mình đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, nhờ chăm sóc tốt nên đến nay mình đã có 5 con, với giá bán hiện tại, trị giá 5 con trâu này là trên 100 triệu đồng. Tới đây, mình sẽ trả hết nợ cho ngân hàng”.
Tạm biệt miền quê sông nước Hậu Giang, dọc 2 bên là những đồng lúa “thẳng cánh có bay”, chị Nguyễn Thị Duyên - Cán bộ NHCSXH tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Hậu giang có được sự phát triển ngày hôm nay nhờ có sự đóng góp của NHCSXH, nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Tuy nhiên, muốn cho nguồn vốn chính sách mang lại hiệu quả cao hơn nữa thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến ngư để hướng dẫn cho bà con cách thức chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp với vốn vay ưu đãi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.”
Đến 31/7/2016, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Hậu Giang đạt trên 1.806 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo trên 317 tỷ đồng, hộ cận nghèo gần 377 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 175,8 tỷ đồng, HSSV trên 234 tỷ đồng, hộ gia đình SXKD vùng khó khăn 174 tỷ đồng, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167 trên 54 tỷ đồng và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là gần 316 tỷ đồng. |