WB: Việt Nam cần tập trung cải thiện tài khóa
WB: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6,3% trong năm nay | |
WB cam kết sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam | |
Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế |
Các chỉ số kinh tế về cơ bản vẫn rất tốt, cùng với đó là tâm lý tích cực trên thị trường và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục cải thiện sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm nay.
Kết thúc quý I cũng là lúc kinh tế Việt Nam liên tiếp đón nhận những dự báo về triển vọng trong năm nay từ các tổ chức nước ngoài: ADB và HSBC dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5% trong khi WB dự báo ở mức 6,3%.
Thực hiện nghiêm khuôn khổ tài khóa để có gối đệm tốt sẵn sàng đối phó với các cú sốc |
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB ngày 13/4/2017, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, giá dầu thô giảm, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực xây dựng suy giảm, năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp và việc giải ngân chậm trong các dự án đầu tư công… là những nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I vừa qua của Việt Nam có giảm đi đôi chút.
Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế về cơ bản vẫn rất tốt, cùng với đó là tâm lý tích cực trên thị trường và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục cải thiện sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm nay.
Báo cáo về triển vọng kinh tế mới đây của Khối Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng HSBC cũng nhận định: “Việc tăng trưởng GDP chậm lại trong quý I/2017 chỉ là một sự bước lùi nhỏ và lĩnh vực sản xuất sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong những quý sắp tới”.
Nhìn về trung hạn, WB cho rằng triển vọng đối với Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi. “Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do sức cầu trong nước tăng mạnh và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Áp lực lạm phát nhìn chung ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm. Tình hình ngân sách sẽ được củng cố phần nào trong thời gian tới, cùng với quá trình thoái vốn sẽ tăng nhanh hơn” – Báo cáo của WB nêu.
Trước câu hỏi dự báo về dòng vốn FDI trong tương lai, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng, “Việt Nam vẫn đang ở vị thế rất tốt để duy trì và thu hút FDI, nhất là trong bối cảnh chi phí nhân công tăng lên tại Trung Quốc và một số nền kinh tế khác”. Ông cũng gợi ý : “Chúng tôi quan tâm là Việt Nam làm thế nào để có thể đảm bảo tính bền vững về khuôn khổ tài khóa trong trung hạn để kiểm soát được những khó khăn về mặt tài khóa hiện nay”.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn thì việc đẩy mạnh hơn nữa năng lực cạnh tranh (NLCT), cải thiện môi trường trong nước để chống chịu tốt với những bất ổn từ bên ngoài là rất quan trọng. Ông đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam có được trong thời gian qua, đặc biệt thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 19 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT quốc gia cũng như kỳ vọng các vấn đề này sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới với Nghị quyết 19 mới mà Chính phủ ban hành gần đây.
Thực tiễn những năm vừa qua đã cho thấy, ổn định KTVM là tiên quyết, giúp Việt Nam trụ vững trước những cú sốc, bất ổn định từ bên ngoài. “Tăng trưởng kinh tế cao cũng gắn liền với việc cải thiện các chỉ số cũng như môi trường KTVM ổn định, lạm phát thấp... trong thời gian qua” – ông Sebastian Eckardt chỉ ra và khuyến nghị: “Các nhà quản lý cần tiếp tục duy trì ổn định KTVM và làm sao hài hòa giữa tăng trưởng với ổn định KTVM phải là ưu tiên trong thời gian tới”.
Báo cáo của WB cũng cảnh báo, những rủi ro và thách thức đã biết vẫn còn đó. “Nhìn từ trong nước, chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về KTVM và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Trong khi đó nhìn từ bên ngoài, kinh tế thế giới biến động mạnh có thể tác động qua các kênh thương mại và đầu tư khiến cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm hơn. Ngoài ra, việc xử lý khả năng dễ tổn thương với các cú sốc như về thiên tai, môi trường và khí hậu trong những năm gần đây – sẽ vẫn là một thách thức” – báo cáo cho biết.
Trở lại vấn đề tài khóa mà ông Sudhir Shetty nêu ra, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, củng cố tài khóa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị. “Củng cố tài khóa liên quan đến KTVM, liên quan đến đổi mới, sắp xếp DNNN... Nếu xem xét tất cả các nhân tố như vậy sẽ thấy vấn đề ở đây là những quyết tâm, kế hoạch và việc triển khai thực hiện thế nào trong thời gian tới” - ông Ousmane Dione nói.
Ông Sebastian Eckardt cho rằng: “Chúng tôi đã thấy Chính phủ hành động. Trong Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã nêu rõ những định hướng để khắc phục, giảm tỷ lệ nợ/GDP. Những cam kết như vậy cũng được thể hiện qua những chính sách, giải pháp như tăng cường cổ phần hóa DNNN, cải thiện chất lượng chi tiêu ngân sách... Đây là những biện pháp đúng hướng nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới”.