Xây dựng một thị trường chứng khoán bền vững
TTCK trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế | |
20 năm TTCK Việt Nam: Tiếp tục sẽ đơm hoa, kết trái | |
TTCK Việt Nam vào TOP 5 có mức tăng trưởng cao nhất thế giới |
Đánh giá cao những kết quả 20 năm thành lập và phát triển của UBCKNN và TTCK, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, TTCK đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng nền kinh tế năng động, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh. TTCK không chỉ là kênh huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, người dân và xã hội, kể cả từ nước ngoài, tạo nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy DN sử dụng vốn linh hoạt, hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị và công khai minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ 2 mã cổ phiếu niêm yết tại HSX, nay đã có hơn 1.000 công ty niêm yết trên 2 sở |
Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, với sự ra đời ban đầu là UBCKNN (28/11/1996), ngành Chứng khoán đã ngày càng lớn mạnh, trưởng thành. Bắt đầu chỉ với 2 mã cổ phiếu niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, tới nay, đã có hơn 1.000 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 sở giao dịch chứng khoán.
Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt 2 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đến nay giá trị dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 24% GDP; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 39% GDP; tính chung quy mô TTCK đã chiếm khoảng 63% GDP.
“Đây là một con số rất đáng khích lệ, khẳng định bước trưởng thành nhanh chóng của TTCK trong hệ thống tài chính của nước ta”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế về khuôn khổ pháp lý, chất lượng hàng hóa, tổ chức thị trường... cần khẩn trương khắc phục, hoàn thiện để bảo đảm sự phát triển bền vững của TTCK. Thủ tướng yêu cầu ngành Chứng khoán tiếp tục thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và thông lệ quốc tế để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính quốc gia. Qua đó, đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, ngành cần phát triển TTCK bền vững, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; nâng cao năng lực, chất lượng của các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK, đặc biệt quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số.
Ngoài ra, phát triển TTCK phải gắn kết với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, công khai minh bạch hoạt động của DN. Cùng với việc tiếp tục đưa nhiều DNNN cổ phần hóa gắn với niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán, Thủ tướng cũng đề nghị phối hợp làm tốt quá trình bán vốn DNNN trên sàn chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo Thủ tướng, phát triển TTCK cũng cần phải gắn kết với việc phát triển thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm, nhằm tạo ra một thị trường tài chính thống nhất, toàn diện, đồng bộ. TTCK phải là kênh giúp DN đa dạng hóa nguồn tài chính và đầu tư, đổi mới và sáng tạo, giảm phụ thuộc vào vốn ngắn hạn của kênh ngân hàng, giảm chi phí sử dụng vốn, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác là ngành cần tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, liên kết với các trung tâm chứng khoán khu vực và quốc tế. Việc đón đầu các xu hướng tiến bộ công nghệ mới trong công tác quản lý và tổ chức hệ thống, hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực. Thủ tướng cũng đặt mục tiêu và lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam ngay trong 2 năm tới.
“Chính phủ cam kết tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN; tạo mọi điều kiện thuận lợi để TTCK Việt Nam phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, bước sang giai đoạn mới, trong bối cảnh kinh tế thế giới và đất nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, đặc biệt là những thách thức ngày càng lớn khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thì nhiệm vụ của ngành Tài chính nói chung, ngành Chứng khoán nói riêng là hết sức nặng nề.
“Bộ Tài chính sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ thành các chương trình hành động trong trung và dài hạn, các chương trình công tác hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất. Nỗ lực xây dựng TTCK Việt Nam phát triển bền vững, an toàn, minh bạch và hiệu quả, ngày càng trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông Dũng nói.