Xây dựng nông thôn mới: Canh cánh nỗi lo thiếu bền vững
Xây dựng Nông thôn mới: Chặng nước rút nhiều cam go | |
Tập trung xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn |
Thu nhập tăng nhờ NTM
Theo kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới được công bố trước Thường vụ Quốc hội, những kết quả đáng chú ý có thể kể đến như: Hệ thống văn bản pháp luật đã ban hành, từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu; Nhiều chương trình khoa học và công nghệ được triển khai;
Một số địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện (ban hành chính sách cấp xi măng, ống cống, hỗ trợ máy trộn bê tông... để người dân tự làm đường; ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay để triển khai các chương trình, dự án xây dựng NTM…).
Xây dựng NTM giúp tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân, nhưng tính bền vững chưa cao |
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết thêm, từ năm 2014 đã có nhiều địa phương thực hiện việc hỗ trợ lãi suất để đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp (cá biệt như Đồng Nai cũng đã hỗ trợ 30-40% vốn đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm).
Nhiều tỉnh khác còn ban hành chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, mua máy móc nông nghiệp. Có tỉnh còn ban hành chính sách thu hút DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… nhờ vậy đã góp phần thúc đẩy chương trình đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Theo đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM của Đoàn giám sát, tính đến ngày 31/12/2015 cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí NTM, Nhưng con số này tăng rất mạnh trong năm nay, đến tháng 9/2016 đã có 2.045 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí NTM; có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM.
Tổng hợp lại sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng NTM được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Cụ thể, có 98,74% số xã đạt tiêu chí quy hoạch (tăng 72,01% so với năm 2011), 36,43% số xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn (tăng 33,2% so với năm 2011); 61,37% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi (tăng 45,87% so với năm 2011); 82,38% số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn (tăng 38,06% so với năm 2011).
Với những thay đổi kể trên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí NTM, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Lo nợ đọng, sợ thiếu bền vững
Tuy nhiên, đằng sau nhiều kết quả đáng khích lệ kể trên thì cũng không ít vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Theo trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng, tổng cộng trên 15 nghìn tỷ đồng và cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán. Cụ thể, 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng NTM cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định, số nợ đọng này chưa lớn, chỉ chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện. Trong quá trình giám sát, các địa phương cho biết sẽ sử dụng quỹ đất đấu giá lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay, bao giờ bán được đất thì vẫn chưa có câu trả lời.
Cùng lo ngại về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không đồng tình với việc nợ đọng tại địa phương chưa xử lý xong, nhưng cứ cố xây dựng NTM để lại nợ tiếp. Trong khi đó, nếu kiến nghị ngân sách hỗ trợ để trả nợ sẽ dẫn đến tình trạng cứ vay nợ, cứ đầu tư rồi sẽ được xử lý, được ưu tiên giải quyết nợ. Như vậy là không đúng với quy chế tài chính và không hợp lý với thực tiễn.
Thậm chí có ý kiến còn lo rằng, tư tưởng của đội ngũ cán bộ địa phương nặng về “xin tiền” chứ chưa nghiên cứu các cách làm tiên tiến, hiệu quả để áp vào việc xây dựng NTM. Nhiều nơi có tư tưởng nóng vội, cố đạt bằng được 19 tiêu chí để được công nhận là xã NTM, nên làm cho qua, cho được, vì vậy chất lượng thấp.
“Tôi hình dung nghèo, tái nghèo cũng như xây dựng NTM. Có thể năm nay là NTM nhưng một hai năm sau rà soát lại chưa chắc đã đạt tiêu chí NTM, nên tính bền vững không cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt tỏ ra lo ngại.
Đồng tình quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xây dựng NTM là quá trình lâu dài, phải đảm bảo phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội địa phương chứ không thể nôn nóng. Bởi vì, mục tiêu cốt lõi của chương trình NTM là tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Chính vì vậy, rút kinh nghiệm 5 năm qua, Ban chỉ đạo đã rà soát, thiết kế lại khung khổ 19 nhóm tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội từng địa phương để triển khai tiếp trong giai đoạn tới. Bộ tiêu chí này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và sớm phê duyệt, làm cơ sở để triển khai ở các địa phương trong toàn quốc.