Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc: Cần hướng đến chính ngạch
Cá tra đối mặt xuất khẩu khó khăn | |
Thị trường tiềm năng cho cá tra Việt |
Cơ hội đang rộng mở
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng qua từng năm. Vào năm 2010, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng là 7%, năm 2014 chiếm 14% và 2017 chiếm 18%. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nâng cao chất lượng cá tra để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch |
Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang thị trường này vào năm 2014 chiếm 6,4%, năm 2015 chiếm 10,3%, năm 2016 chiếm 17,8% và năm 2017, thị trường Trung Quốc vượt qua Mỹ và EU trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 23%.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong 5 năm gần đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường này luôn tăng trưởng mạnh, với mức tăng từ 21 - 31%/năm. Tính đến hết tháng 5/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 203 triệu USD, chiếm 25,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho hay, Trung Quốc đang dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, thậm chí năm 2016 - 2017 còn là cứu cánh cho chúng ta trong bối cảnh thị trường Mỹ thắt chặt chính sách nhập khẩu bằng các rào cản kỹ thuật.
Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc ngày càng triển vọng khi cuối tháng 5/2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy, hải sản đến từ các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO. Theo đó, từ 1/7/2018, thuế nhập khẩu cá tra philê sẽ giảm từ 10% xuống 7%; thuế nhập khẩu cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của người dân Trung Quốc ngày một cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp tập gia vị… do thói quen tiêu dùng thực phẩm thủy sản và đã được kiểm dịch an toàn thực phẩm sẽ tạo cơ hội để DN xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Mặt khác, việc Mỹ áp thuế 10% đối với tất cả các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, kết hợp với thuế suất 25% đối với các sản phẩm thủy sản của Mỹ dự kiến sang Trung Quốc đã có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để DN xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, thời gian tới nhiều dự báo xuất khẩu thủy sản (tôm, cá tra) sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này.
Hướng đến chính ngạch
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, hiện nhiều DN thủy sản lớn của Việt Nam đã đặt văn phòng và nhân sự làm việc tại nước bạn. Các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải nữa mà còn tiến sâu vào bên trong nội địa như ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại chính là tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang chiếm đến hơn 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, giá xuất khẩu giữa đường chính ngạch và tiểu ngạch chênh lệch khá lớn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN xuất khẩu chính ngạch. Đó là chưa kể, chất lượng hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch cũng khó được kiểm soát, rất có thể các nhà nhập khẩu với giá rẻ, sau đó lại chế biến sản phẩm dưới tên gọi khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep cho hay, Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn mà còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Trong khi cá tra là sản phẩm phù hợp có thể chế biến hàng trăm món ăn khác nhau, nên ngành cá tra trong nước có thể gia tăng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này. Tuy nhiên, ông Hòe cũng cảnh báo đây là thị trường tiềm năng nhưng chưa ổn định và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu các DN không quan tâm đến vấn đề chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
TS. Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu cá tra, nhưng thị trường này cũng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Theo đó sản phẩm cá tra xuất sang đây cũng dần sẽ theo những tiêu chuẩn khắt khe (BAP, Global GAP, ASC…) như đã xuất sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU.
Hiện nay, chủ trương của Bộ NN&PTNT và các Hiệp hội ngành hàng đang hướng đến đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đồng thời hướng đến các sản phẩm phi lê chất lượng cao, nâng cao chất lượng con giống, đẩy mạnh xúc tiến thương mại…
Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu cá tra tương đối khả quan. Để ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng có những bước đi vững chắc vào thị trường Trung Quốc, hạn chế rủi ro, phát triển ổn định, lâu dài, nhưng cũng cần khuyến cáo các DN nhất thiết phải đi bằng con đường chính ngạch để đưa cá tra sang thị trường này.
Theo Vasep, từ trước đến nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc qua đường chính ngạch vẫn đang bị xuất khẩu cá tra tiểu ngạch gây nhiều bất lợi. Cụ thể, cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường chính ngạch phải chịu thuế VAT 17%, còn nhập khẩu tiểu ngạch không phải chịu thuế này. Cạnh đó, với sản lượng cá tra gia tăng xuất khẩu vào thị trường tăng mạnh, phía Trung Quốc hiện đang bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn đối với mặt hàng này.
Ông Trương Đình Hòe cho hay, việc mua bán theo đường chính ngạch sẽ hạn chế rủi ro cho hoạt động mua bán của 2 bên và giúp DN chân chính dễ làm ăn hơn. Do đó, Vasep đề nghị phía cơ quan quản lý Việt Nam chủ động kiểm tra chất lượng các lô hàng xuất khẩu, kể cả đường mậu biên. Tránh trường hợp thương lái gom cá, tôm kém chất lượng bán sang Trung Quốc gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thủy sản Việt Nam.
Đại diện Vasep kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ dài hạn để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu chiến lược phát triển thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm thủy sản vào thị trường rộng lớn này, đồng thời, cần có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để bảo đảm chất lượng thủy sản xuất khẩu qua biên giới.