Xuất khẩu: Cơ hội và thách thức từ các FTA
Xuất nhập khẩu năm 2018 qua những con số | |
Tìm giá trị gia tăng mới trong sản xuất và xuất khẩu | |
Cơ hội mới của DN thủy sản |
Gia tăng chiều sâu giá trị
Đi hết năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%).
Ảnh minh họa |
“Cán cân thương mại duy trì thặng dư với mức thặng dư trong năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó đã góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Phía sau những con số đó là một cơ cấu xuất khẩu hướng tới giá trị gia tăng cao hơn, phát huy nội lực từ cơ cấu hàng hóa cho đến thị trường. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm hơn 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá xuất khẩu đạt 202,67 tỷ USD với mức tăng 16,2% ghi dấu năm thứ 7 liên tiếp tăng trưởng cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung.
Điểm tựa cho tăng trưởng nhóm ngành không còn chỉ dựa vào điện thoại di động, mà còn có các mặt hàng xuất khẩu khác như sắt thép, hóa chất, xi măng... Trong đó hóa chất đạt 1,89 tỷ USD, tăng 49%; hàng dệt và may mặc đạt 30,45 tỷ USD tăng 16,6%; sắt thép các loại đạt 4,56 tỷ USD, tăng 44,8%; sản phẩm từ sắt thép đạt 3,02 tỷ USD, tăng 31,6%, clanhke và xi măng đạt 1,25 tỷ USD, tăng 76,3%... Năm 2018 đánh dấu mốc 30 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (tăng thêm 1 thị trường so với năm 2017), trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng tốt như Hàn Quốc tăng 23,2%, ASEAN tăng 13,7%, Nhật Bản tăng 12,9%, EU tăng 11%, Mỹ tăng 14,2%, Trung Quốc tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (34,7 tỷ USD); EU (28,7 tỷ USD). Đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với 2017) chiếm 91,67% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Năm 2018 cũng ghi dấu khối DN trong nước xuất khẩu khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI (không kể cả dầu thô) là 13,6%.
Tận dụng cơ hội từ mở cửa
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành. Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.
Tuy vậy, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. Giá nông sản khó có khả năng tăng như năm 2017 và có xu hướng ổn định như năm 2018 khi ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu, giá xuất khẩu nông sản.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước; xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
Chính vì vậy, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu, bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý cũng như DN là phát triển, vẫn là khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
“Trong đó cần ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được phát triển lành mạnh. Với thị trường biên mậu, chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch các mặt hàng nông - lâm - thủy sản sang hình thức chính ngạch”, ông Vượng cho biết.
Bên cạnh đó cần thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn các FTA then chốt, tập trung vào FTA với EU; triển khai và thực thi Hiệp định CPTPP một cách chủ động, hiệu quả; tích cực vận dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước.