Tìm giá trị gia tăng mới trong sản xuất và xuất khẩu
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành đã đạt được, song cũng yêu cầu Bộ cần chủ động, tích cực hơn trong công tác điều hành để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thặng dư thương mại năm 2018 đạt kỷ lục 7,2 tỷ USD |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau nhiều năm đổi mới, ngành Công thương liên tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Đến nay, công nghiệp và thương mại góp đến 80% GDP, 7% thu ngân sách. Năm 2018, Bộ Công thương đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao, với một số điểm nhấn chính là tiêu dùng ổn định, lần đầu tiên xuất siêu trên 7,2 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2016.
“Chất lượng tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, vĩ mô luôn luôn ổn định tốt… là những yếu tố quan trọng cho sản xuất, xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam. Có được thành quả này không thể thiếu vai trò của ngành Công thương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả hoạt động tiêu biểu của ngành Công thương diễn ra trước đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong năm 2018, nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành. Như Formosa Hà Tĩnh đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018, giúp nâng tổng công suất lên 7 - 8 triệu tấn/năm; Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán 600.000 tấn trong tháng 8/2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350.000 tấn.
Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast (tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm), Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm); Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công (tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm)...
“Toàn ngành đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước, có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất chế biến sữa và thực phẩm, sắt thép, kim khí, hóa chất… là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước”, ông Vượng nói.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin, công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy thực hiện đạt kết quả tích cực, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Kết quả đến nay đã có 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi; 2 dự án đã vận hành sản xuất trở lại; 1 dự án sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi, các dự án còn lại đang được tích cực xử lý để bảo đảm hoàn thành đúng theo phương án, lộ trình đề ra”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho thấy, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng trong các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu chung (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 – 2016.
Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết năm 2018 tăng 12,4% so với năm trước (năm 2017 tăng 10,2%). Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2018 là 64,4%, đạt mức tồn kho thấp nhất trong những năm gần đây.
Song Thủ tướng cũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết. Đó là tính chủ động trong lập điều chỉnh chiến lược quy hoạch ngành công thương chưa cao. Một số quy hoạch triển khai chậm trong thực tiễn, gây lúng túng trong quản lý, ví dụ quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia. Một số quy hoạch được đề xuất bổ sung sửa đổi.
Ngành công nghiệp phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghệ lạc hậu, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; tái cơ cấu trong sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao cạnh tranh của DN trong ước còn chậm. Kỷ nguyên số trong sản xuất công nghiệp thương mại còn nhiều bất cập… Mức độ liên kết, hợp tác kinh doanh giữa DN trong cùng ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế; liên kết DN trong nước và FDI chưa đi vào chiều sâu, nhất là tiếp nhận chuyển giao công nghệ… Việt Nam chưa có ngành công nghiệp chủ lực mạnh, giá trị gia tăng cao, ổn định. “Đây là điều chúng ta tiếp tục tìm kiếm”, ông nói…
Từ đó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương cần có chính sách để sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu phải có chiều sâu hơn, thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu, giữ vững thị trường trong nước, tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam…