Xuất khẩu ghi nhận nhiều kỷ lục mới
Tập trung khâu chế biến trái cây | |
Xuất khẩu sắp về đích | |
Việt Nam đã tận dụng tốt các cam kết FTA |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2017, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận mốc mới với kim ngạch lần đầu tiên vượt ngưỡng 20 tỷ USD, đạt tới 20,29 tỷ USD. Đây cũng là tháng có mức xuất siêu cao nhất tính từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 20,29 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng trước và nhập khẩu đạt 18,11 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7%. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng thặng dư 2,18 tỷ USD. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại trong năm 2017. Trước đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam cũng thặng dư trong tháng 1 và tháng 4 năm nay, nhưng chỉ có tháng 10/2017 là mức xuất siêu đạt trên 2 tỷ USD.
Dấu ấn của xuất khẩu tháng 10 cũng được thể hiện ở 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trên 10% so với tháng 9/2017. Trong đó, tăng trưởng cao nhất là nhóm hàng giấy và các sản phẩm từ giấy, tăng 41,1%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 31,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,1%… Kết quả này cho thấy tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá đang ghi nhận những diễn biến hết sức thuận lợi.
Tiếp nối những kết quả đạt được sau 10 tháng, đã có ý kiến dự báo năm 2017 sẽ ghi nhận một kỷ lục mới khi nước ta lần đầu tiên chạm và vượt mốc 400 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Bởi tính đến hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt con số 346,54 tỷ USD, trong khi những tháng gần đây Việt Nam luôn đạt kim ngạch hơn 30 tỷ USD/tháng.
Đáng chú ý là dù còn 2 tháng nữa mới hết năm, song những chỉ tiêu về tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu cũng đã vượt con số được Quốc hội giao trước đó. Cụ thể, Quốc hội quyết định năm 2017 chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 6-7%, trị giá nhập siêu bằng 3,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Dù nhìn về tổng thể, các kết quả đạt được là rất tích cực, song cũng cần lưu ý các biểu hiện cho thấy mặt trái của bức tranh xuất nhập khẩu. Theo đó, sau 10 tháng cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thặng dư 2,56 tỷ USD, song công đầu lại thuộc về khối DN FDI khi khối này xuất siêu đến 20,94 tỷ USD, trong khi khối DN trong nước nhập siêu 18,38 tỷ USD.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 ghi nhận 5 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và đều là những nhóm hàng có nhiều đóng góp từ khối các DN FDI. Đó là các nhóm hàng dệt may; giày dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Tổng trị giá xuất khẩu của 5 nhóm hàng này trong tháng 10/2017 là 12,33 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của khu vực các DN FDI là gần 11 tỷ USD, chiếm tới 89%.
Trong số 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất này, chỉ có hàng dệt may là khối các DN trong nước chiếm tỷ trọng lớn, song cũng chỉ đạt gần 40% và vẫn kém khối FDI. 4 nhóm hàng còn lại các DN trong nước chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ bé trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng đó của cả nước.
Tổng cục Hải quan cho biết, DN trong nước chủ yếu có thế mạnh đối với các nhóm hàng thủy sản, nông sản như rau quả, hạt điều, gạo, sắn, chè, cao su… Vì vậy, thời gian tới để nâng cao kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước, cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo bằng công nghệ trung bình và cao, giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, cần tập trung khai thác thị trường trọng điểm, truyền thống, tiềm năng, song song với việc mở ra các thị trường mới, nhất là các thị trường đối tác đã ký FTA với Việt Nam.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ các DN xuất khẩu trong nước, thời gian tới cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông qua những chính sách nhằm cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ DN khởi nghiệp… nhằm nâng cao năng lực của DN, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước.