Tập trung khâu chế biến trái cây
Trái cây tăng xuất khẩu “quên” thị trường nội | |
Nâng tầm trái cây xuất khẩu |
Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cùng với sự tăng diện tích, sản lượng, giá trị XK trái cây Việt liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây từ vài trăm triệu USD lên vượt mốc 1 tỷ USD năm 2013 (1,07 tỷ USD), năm 2016 đạt 2,45 tỷ USD, bình quân tăng 1,25 lần/năm, trong đó ước tính các sản phẩm cây ăn quả chiếm hơn 80% tổng giá trị XK.
DN cần tập trung khâu chế biến trái cây, gia tăng giá trị sản phẩm |
Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị XK quả các loại đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47,3% so với cùng kỳ năm 2016. Các loại trái cây Việt Nam đã XK vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, mặc dù giá trị thị trường nhập khẩu rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, tuy nhiên số liệu thống kê cho thấy, giá trị XK rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% so thế giới.
"Một tỷ lệ rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, dù ngành sản xuất rau quả Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua", ông Cường đánh giá.
Mặt khác, theo các chuyên gia, Việt Nam chủ yếu XK trái cây dưới dạng tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản như kiểm dịch thực vật, chất lượng trái cây giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn do chưa có các công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Matthias Ehrtmann, Trưởng phòng Thực phẩm, Rieckermann Việt Nam, dẫn chứng, ở nước Anh dù họ không trồng chanh leo, tuy nhiên họ đã nhập khẩu chanh leo về chế biến. Sau khi chế biến, họ bán sang Việt Nam với giá 5 USD/chai nước chanh leo, trong khi sản phẩm chanh leo tươi của Việt Nam bán chưa tới 1 USD/kg.
Ông Roberto Benvenuti, Phụ trách kinh doanh và marketing công ty Bertuzzi Food Processing Italia nhấn mạnh, công nghệ chế biến trái cây sẽ giúp trái cây Việt Nam cạnh tranh tốt và có giá trị gia tăng cao hơn. Chẳng hạn, giá nhập khẩu chanh leo cô đặc ở châu Âu nằm trên 2.000 USD/tấn, xoài nguyên chất sau khi chế biến bán được 1.500 - 2.000 USD/tấn bán ở Mỹ; 1.000-1.200 USD/tấn ổi cô đặc bán ở thị trường châu Âu...
“Nếu Việt Nam quan tâm tới đầu tư công nghệ chế biến sâu, giá trị lợi nhuận thu về sẽ rất lớn. Như thị trường ổi hiện nay chỉ có Ấn Độ chế biến ổi. Hay với thanh long, rất ít công ty trên thế giới chú trọng sản xuất”, ông Roberto Benvenuti nói.
Thậm chí ngay cả một số vật phẩm từ trái cây Việt Nam đang bị vứt bỏ, nếu đầu tư công nghệ chế biến, Việt Nam có thể thu tiền tỷ như hạt điều ở Việt Nam hiện nay chủ yếu XK hạt, trong khi tai quả điều đang bỏ đi.
"Phần tai điều được chế biến bằng cách nghiền, lọc, tách màu... tạo thành chất có thể thay thế cho đường - loại đường này có thể làm bánh kẹo, pha trà...", ông Roberto Benvenuti cho biết thêm.
Đặc biệt, trước mục tiêu đặt ra là tổng diện tích cây ăn quả cả nước tăng lên 910.000 ha, tổng sản lượng quả các loại trên 9,5 triệu tấn. Kim ngạch XK rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị XK năm 2020 đạt trên 4,5 tỷ USD trong đó sản phẩm quả chiếm trên 80%. Chuyện đầu tư công nghệ chế biến trái cây không phải là yêu cầu cần thiết mà rất cấp thiết.
Ông Trần Hoài Nam, Trưởng Phòng Kinh doanh Rickermann Việt Nam, cho rằng, DN cần cố gắng tăng lượng XK tại thị trường khó tính, chủ động liên kết nhau thực hiện các chương trình quảng bá phù hợp và thâm nhập từng bước vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu để bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của mình XK và đặc biệt là đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến.
DN phải chủ động liên kết với nhà sản xuất, quan tâm và hỗ trợ nhà sản xuất (nông dân) thực hiện VIETGAP hoặc GLOBALGAP (thực hiện trên ý thức tự giác) trên cơ sở có giám sát kiểm tra của DN để nguyên liệu XK thu mua có nguồn gốc rõ ràng và đạt các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đúng yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu.
"Nếu muốn tiếp cận thị trường châu Âu, trái cây Việt cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến, đáp ứng chứng chỉ chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm (IFS), chứng chỉ BRC, BSCI...", ông Nam nhấn mạnh.