Xuất khẩu gỗ: Hội nhập sâu, thách thức lớn
Nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng ngành gỗ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ cả trong nước và thị trường xuất khẩu.
Khắt khe quy định gỗ hợp pháp
Theo bà Nguyễn Tường Vân – Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp): Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong 5 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng cũng giống như dệt may, ngành gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức của hội nhập.
Việc truy xuất nguồn gốc gỗ đang là khó khăn lớn mà DN xuất khẩu phải đối diện |
Thực tế, tuy kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng ngành gỗ lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây là điểm bất lợi lớn bởi do phải nhập khẩu nguyên liệu giá cao hơn, các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm để cân đối kinh doanh. Như vậy đương nhiên ngành gỗ Việt sẽ mất lợi thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác có sẵn nguyên liệu hoặc nhập khẩu nguyên liệu gần hơn.
Bên cạnh đó, những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các nước nhập khẩu cũng là thách thức lớn mà ngành gỗ Việt Nam phải đối mặt. Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện cho tổ chức Forest Trends thì tới đây, khi Úc bắt đầu thực hiện chính sách cấm nhập gỗ lậu. Nhật Bản cũng cân nhắc áp dụng chính sách tương tự, ngành gỗ Việt Nam hẳn nhiên sẽ “khó càng thêm khó”.
Theo các chuyên gia, nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng là một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ Việt trong năm 2015. Luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho hàng gỗ của Việt Nam từ 1/10/2010 có nhiều quy định khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm gỗ; Quy chế mới của EU yêu cầu phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp và có trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc gỗ có hiệu lực vào tháng 3/2013… đều là những “rào cản” gây khó khăn rất lớn trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ với cả hai nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Gỗ thì Việt Nam đang phải nhập khẩu gỗ từ hơn 60 quốc gia trên thế giới và không phải nước xuất khẩu gỗ nào cũng có chứng chỉ hợp pháp. Đây chính là điểm bất lợi rất lớn của các DN xuất khẩu gỗ hiện nay.
Tương tự, ngay như đối với nguồn nguyên liệu trong nước, để chứng minh gỗ hợp pháp cũng không hề đơn giản. Bà Trần Thị Thúy Hoa - Chánh văn phòng Hội Cao su Việt Nam chỉ ra một thực tế gỗ cao su là gỗ trồng, nhưng ở một số diện tích trồng bị chồng lấn với diện tích quy hoạch là vùng rừng tự nhiên nên không lấy được chứng nhận gỗ hợp pháp. Mặt khác, không phải hộ gia đình nào cũng đủ điều kiện xin chứng nhận gỗ hợp pháp… Do vậy, trong nhiều trường hợp, việc truy xuất nguồn gốc đối với nguồn nguyên liệu này gặp rất nhiều khó khăn.
Thấp thỏm đợi VPA
Khảo sát từ các DN sản xuất gỗ trên toàn quốc của Trung tâm Giáo dục và Phát triển cho thấy, hiện nay nhiều DN muốn yêu cầu bên bán nguyên liệu trong nước cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc là rất khó khăn. Không chỉ thủ tục mất thời gian, gây tốn kém, mà nhiều quy định chưa rõ ràng, các cơ quan chưa thống nhất cách hiểu… nên nhiều khi đẩy DN vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Hơn nữa, với con số 4.200 DN ngành chế biến gỗ hiện nay, việc chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp rõ ràng là vấn đề rất nan giải.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Việt Nam đang tiến hành đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) nhằm thiết lập Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp cho các lô hàng xuất khẩu vào thị trường này, giúp DN tránh phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy chế gỗ của EU. Nếu Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) được ký kết sẽ là tin vui đối với các DN đang xuất khẩu gỗ vào thị trường lớn thứ hai này.
Bà Nguyễn Tường Vân cho biết, kèm theo Hiệp định này sẽ là danh mục hàng hóa, sản phẩm có trong danh mục cần giải trình nguồn gốc gỗ. Theo kết quả vòng đàm phán mới nhất, danh mục hàng hóa sẽ gồm 13 mã hàng thuộc 44 chương (mã hải quan gồm 4 chữ số) và 3 tiểu mã hàng thuộc 94 chương (gồm 8 số). Có 23 phân nhóm mặt hàng 6 chữ số và 113 mặt hàng 8 chữ số. Mặt hàng nào không thuộc danh mục 113 mặt hàng 8 chữ số sẽ không cần phải giải trình. Ví dụ sản phẩm ghế ngoài trời không có trong danh mục sẽ đương nhiên được xuất khẩu vào EU mà không cần giải trình gỗ hợp pháp.
Tuy nhiên, để được cấp phép, DN phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến đến khi xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ bao gồm cả các quy định về đất đai, lao động, môi trường, tài chính mà các chủ rừng, hộ gia đình, các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực này cần phải tuân thủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng gỗ hợp pháp phải được thực hiện xuyên suốt trong chuỗi sản xuất từ trồng rừng – khai thác – thu mua vận chuyển – chế biến – tiêu thụ.
“Càng hội nhập sâu, DN càng phải quan tâm đến các yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm như: Xây dựng hệ thống quản lý để theo dõi chuỗi hành trình sản phẩm; quy trình quản lý nguồn nguyên liệu... phải cải tiến phù hợp”, bà Nguyễn Tường Vân khuyến nghị.
Mục đích của VPA là đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU phải có nguồn gốc hợp pháp. Hiệp định cũng giúp các nước xuất khẩu gỗ ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp bằng việc tăng cường các quy định và quản trị ngành lâm nghiệp. |