Xuất khẩu gỗ và nỗi lo rủi ro nguồn nguyên liệu
9 tháng ước nhập siêu khoảng 442 triệu USD | |
Tự tin thâm nhập các “kênh xuất khẩu” | |
9 tháng nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất siêu 5,85 tỷ USD |
Loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu ‘sạch’ là nhu cầu cấp bách. Điều này không những đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai.
Ảnh minh họa |
Chắc chắn khẳng định kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2017 sẽ đạt con số 8 tỷ USD - một con số khá bất ngờ, nhưng các Hiệp hội và DN ngành gỗ cũng đã nhìn thấy xuất khẩu gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức do sự thay đổi chính sách yêu cầu về nguồn gốc gỗ của các nước nhập khẩu theo đó là áp lực cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu khi Việt Nam đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu khá nhiều.
Năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 6,8 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỉ USD. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 có thể đạt con số trên 8 tỉ USD, các DN ngành gỗ khẳng định. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ nhờ ở 5 thị trường chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng các DN cũng đã nhận thấy lượng xuất khẩu vào các thị trường này có thể thay đổi trong tương lai, chủ yếu là do các chính sách vĩ mô tại các quốc gia này về các ưu tiên, định hướng phát triển, bao gồm chính sách kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng gỗ nhập khẩu bởi ngành gỗ Việt Nam đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, với kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD, tương đương khoảng 20-30% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và xẻ của Việt Nam lên tới gần 760 triệu USD. Nghiên cứu của Foresttrends, của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPD Bình Định) và Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết nguồn cung nguyên liệu cho Việt Nam có thể có những biến động trong thời gian tới. Nguyên nhân bởi tăng cầu gỗ nguyên liệu tại Trung Quốc khi lệnh cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên tại một số quốc gia có hiệu lực từ năm 2017.
Từ cuối năm 2017, gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Hàn Quốc phải tuân thủ trách nhiệm giải trình, quy định này ở Nhật Bản áp dụng từ 2018. Hiệp định VPA-FLEGT với EU đã được ký tắt hồi tháng 5/2017, theo hiệp định gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp. Nhưng chính nguồn gốc gỗ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đang nhập khẩu đang có nhiều rủi ro. “Chúng tôi luôn cảnh giác với nguồn gốc gỗ, chúng tôi đã thành lập công ty thành viên tại châu Phi để vừa trồng rừng vừa thu mua gỗ để có được nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Vậy mà vừa rồi chúng tôi cũng mắc 200 container không có đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ”, ông Hà Đăng Tài, Tổng giám đốc Tổng công ty Tài An cho biết. Trong thời gian qua đã có một số thay đổi lớn về nguồn cung nguyên liệu gỗ cho Việt Nam, bao gồm các thay đổi tại các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Papua New Guine và Châu Phi.
Nguồn cung gỗ nguyên liệu đa dạng cả về chủng loại loài nhập khẩu và số lượng quốc gia, được chia làm 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các loài gỗ tự nhiên có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới như từ các nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và Châu Phi. Cung từ nguồn này thường được coi là có độ rủi ro cao về tính pháp lý. Đây cũng là nguồn cung không ổn định, nguyên nhân chính là do thay đổi chính sách về khai thác và thương mại gỗ nguyên liệu tại các quốc gia này.
Nhóm thứ hai bao gồm các loại gỗ có nguồn gốc từ các quốc gia như Hoa Kỳ, một số quốc gia khu vực châu Mỹ La Tinh và Châu Âu. Cung gỗ từ nguồn này chủ yếu là các loài gỗ có độ rủi ro về tính pháp lý thấp và lượng cung đạt mức ổn định rất cao. Lượng nhập khẩu của hai nhóm vào Việt Nam gần tương đương.
Sử dụng nguồn cung gỗ nguyên liệu có rủi ro có tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành gỗ Việt trên thị trường quốc tế. Loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu ‘sạch’ là nhu cầu cấp bách. Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai.
Vì vậy, các Hiệp hội, Hội và DN ngành gỗ cùng đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các chuyên gia kinh tế lâm nghiệp đã cùng nhau bàn về vấn đề này tại Hội thảo “Xuất nhập khẩu gỗ - Diễn biến mới về thị trường” vừa được tổ chức ngày 5/10/2017.
“Tăng cường cơ hội, giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi DN và cả ngành gỗ Việt Nam trong tương lai. Loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu có rủi ro cao, thay thế bằng các nguồn nguyên liệu sạch là nhu cầu cấp bách để chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu và phát triển bền vững trong tương lai”, ông Tô Xuân Phúc (chuyên gia của Foresttrends) phát biểu.