9 tháng ước nhập siêu khoảng 442 triệu USD
Tự tin thâm nhập các “kênh xuất khẩu” | |
Phòng ngừa rủi ro hợp đồng xuất khẩu | |
Hỗ trợ tối đa hàng hóa xuất khẩu |
Ảnh minh họa |
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước nhưng tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,21 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,79 tỷ USD, giảm 3,3%.
Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại và linh kiện đạt 31 tỷ USD, tăng 21,4%; dệt may đạt 19,3 tỷ USD, tăng 8,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 40,8%; giày dép đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,3 tỷ USD, tăng 30,1%; thủy sản đạt 6 tỷ USD, tăng 19,2%...
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 31,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là EU đạt 28,4 tỷ USD, tăng 15,8% Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,9 tỷ USD, là thị trường có tốc độ tăng cao nhất với 44,7%. Thị trường Nhật Bản đạt 12,5 tỷ USD, tăng 17,2%...
Trong khi đó, trong tháng 9, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,25 tỷ USD, tăng 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,35 tỷ USD, tăng 2,7%.
Tính chung 9 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,2 tỷ USD, tăng 26,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng qua, với kim ngạch đạt 41,6 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc với 33,9 tỷ USD, tăng 46,5%...
Về cơ cấu hàng nhập khẩu 9 tháng năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 141,3 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 91,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng đạt 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% và chiếm 8,5% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Như vậy, ước tính nền kinh tế tiếp tục xuất siêu 400 triệu USD trong tháng 9, qua đó kéo giảm con số nhập siêu trông 9 tháng qua xuống còn 442 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,08 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,64 tỷ USD.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính đạt 9,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu dịch vụ 9 tháng ước tính đạt 12,55 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu dịch vụ 9 tháng là 2,81 tỷ USD, bằng 28,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. |