Xuất khẩu rau quả: Đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ tốt nữa
Ông Huỳnh Quang Đấu |
Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.
Năm 2014, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả gần 1,5 tỷ USD và tăng khoảng 37% so với năm 2013. Những yếu tố nào góp phần làm nên thành công đó?
Đây là một tín hiệu vui, đạt kế hoạch của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, bởi lẽ theo kế hoạch thì năm 2015 kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt 1 tỷ USD. Để có được những thành quả trên phải kể đến sự nỗ lực, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và DN. Việt Nam đã quy hoạch vùng nguyên liệu rau quả nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn, góp phần để các nước châu Âu, Mỹ… quan tâm đến sản phẩm rau quả Việt Nam.
Để phát huy kết quả xuất khẩu này, năm 2015 Hiệp hội có những giải pháp gì?
Hiện nay, các nước châu Âu đặt nhiều rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm Việt Nam. Hiệp hội có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác quản lý. Đặc biệt, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu chuẩn hơn, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu được như vậy, xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ tốt hơn và người dân sẽ có ý thức hơn về vấn đề an toàn thực phẩm trong rau quả. Hiện một số nước khu vực rất ngại về an toàn trên cây rau quả từ một số nguồn nhập khẩu chính, cho nên Việt Nam đang có đà, có điều kiện thuận lợi, phải cố gắng vươn lên.
Từng bước, có lẽ Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Bộ Y tế cần kết hợp để đưa ra vùng nào sẽ là vùng trồng rau sạch. Cây rau phải có ký hiệu như thế nào là sạch để có thể kiểm soát được. Hàng hóa muốn bán giá tốt phải đảm bảo an toàn, phải dán ký hiệu. Như Thái Lan xuất khẩu xoài sang Nhật có giá 60 - 80 USD/kg bởi người mua yên tâm về chất lượng. Còn xoài của Việt Nam họ vẫn còn rất ngại, chưa xuất được nhiều.
An toàn thực phẩm có phải vấn đề lớn với rau quả xuất khẩu của Việt Nam hiện nay?
Hiện các nước đưa hàng rào kỹ thuật kiểm soát gay gắt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tăng trưởng trên rau quả. Chẳng hạn, CTCP rau quả thực phẩm An Giang chuyên xuất khẩu rau quả như ngô non, đỗ tương… có những trường hợp đã kiểm soát ở Việt Nam rồi nhưng khi sang nước nhập khẩu thì sản phẩm tiếp tục phải kiểm tra lại, nếu không đạt chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sẽ bị trả về ngay. Đây là vấn đề đặt ra mà các DN Việt Nam phải rất cố gắng để đảm bảo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Muốn vậy, đầu tiên phải làm sao quản lý được thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất sử dụng. Vấn đề này rất quan trọng, nếu người nông dân không ý thức được việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch thì rất dễ đi đến không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thứ hai, nhà sản xuất cũng phải xuất phát từ cái tâm của mình, làm sao sản phẩm làm ra, xuất khẩu đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Nếu chúng ta làm được hai yêu cầu đó thì xuất khẩu rau quả sẽ tốt nhiều hơn.