Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Không thể hưởng lợi nhiều từ căng thẳng thương mại
Tháng 8/2019: Xuất siêu tháng thứ ba liên tiếp | |
Xuất khẩu trong thời đại kinh tế số |
Đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo “Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và những điểm cần lưu ý” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức ngày 29/8.
Cần tìm hiểu và chấp hành các quy định về xuất nhập khẩu khá đặc thù của Mỹ |
Rủi ro nhiều hơn thuận lợi
Ông Nguyễn Vũ Kiên - Phó Trưởng ban Quan hệ quốc tế của VCCI đánh giá, Hoa Kỳ là thị trường lớn với dân số 330 triệu người, là mảnh đất mà bất kỳ DN xuất khẩu nào cũng muốn đặt chân tới. Tuy nhiên thị trường này cũng rất khắt khe và phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường, nhiều tranh chấp thương mại và các phương án phòng vệ thương mại đang được các nền kinh tế tận dụng triệt để bảo vệ kinh tế trong nước, DN xuất khẩu cần phải nắm vững thông tin về thị trường để có thể kịp thời ứng phó.
Chia sẻ quan điểm về tình hình thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua, bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Amcham TP. Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc điều hành Công ty ITL Việt Nam phân tích, chỉ trong quý đầu năm 2019 xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Hãng Bloomberg đánh giá đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018.
“Tuy nhiên nhiều người đã đặt câu hỏi bao nhiêu phần trong đó là sự tăng trưởng thực chất từ phía Việt Nam và bao nhiêu phần là cộng hưởng từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Một điểm nữa là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cũng thấp hơn đáng kể so với xuất khẩu. Tôi tin mọi người đều hiểu lý do tại sao”, bà nhấn mạnh.
Số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ tuy đã giảm so với hồi quý I, song đây vẫn là thị trường đạt tốc độ tăng lớn nhất trong số các thị trường chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường khác như EU, Trung Quốc giảm lần lượt là 0,5% và 2,5%; thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ tăng trưởng nhẹ.
Bà Amanda Rasmussen phân tích thêm, trong bối cảnh chung của bức tranh xuất khẩu thế giới đang giảm thì việc Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương là điều đáng khích lệ. Đồng thời bà cho rằng một phần trong mức tăng trưởng đó là nhờ tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. “Điều đó là tin tốt song cũng đến với một số rủi ro nhất định. Chúng ta không thể phụ thuộc quá nhiều vào việc hưởng lợi nhờ căng thẳng thương mại và các nhà sản xuất phải hướng tới xuất khẩu trực tiếp”, bà khuyến cáo.
Phải hướng tới xuất khẩu trực tiếp
Dưới góc nhìn của một NĐT trong lĩnh vực logistics, bà Rasmussen chỉ ra thực tế là Việt Nam khó có thể hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển thương mại của Trung Quốc do hạn chế của cơ sở hạ tầng trong nước. Theo đó, hiện nay các hệ thống hạ tầng lớn như cảng biển, sân bay... đang chuyển tải tới 70% khối lượng hàng hoá từ Việt Nam sang Mỹ. Tuy nhiên hệ thống này còn rất nhỏ nếu so với năng lực của phía Trung Quốc. Chẳng hạn, tổng công suất của hệ thống cảng biển trên cả nước chỉ bằng một cảng của Trung Quốc.
Bà cũng lưu ý thêm rằng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn tập trung vào may mặc, nội thất… vốn là các mặt hàng đã rất chủ lực của Việt Nam. Rõ ràng, Việt Nam còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng khác do chính các DN trong nước sản xuất.
Theo các chuyên gia và NĐT của Amcham, Việt Nam cần nhìn nhận rõ là dù được hưởng lợi trong tình huống căng thẳng thương mại, nhưng đó là lợi thế rất hữu hạn. Thực tế đã ghi nhận xuất hiện nhu cầu lớn từ phía DN xuất khẩu của Trung Quốc muốn sang Mỹ song gặp khó khăn, do đó họ chuyển hướng sang Việt Nam bằng cách nào đó. Tuy nhiên khả năng xử lý khối lượng hàng hoá của Việt Nam so sánh với Trung Quốc trên mức độ tương đối lại nhỏ hơn rất nhiều. Cần nhìn nhận đó là một điểm tích cực để tạo điều kiện cho hàng hoá trong nước, thay vì giúp hàng Trung Quốc mở đường sang Hoa Kỳ.
Các DN của Amcham cũng đánh giá lạc quan về quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam theo hướng cơ hội lớn hơn rủi ro rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, cần lưu ý trách nhiệm chung là phải thực hiện mọi việc một cách đúng đắn và chuẩn chỉnh, chấp hành các quy định về xuất nhập khẩu khá đặc thù của Mỹ. Cùng với đó, cần lưu ý để không phụ thuộc quá nhiều và hỗ trợ quá nhiều cho quá trình xuất khẩu gián tiếp của Trung Quốc thông qua Việt Nam.
Ông Erik Frankel, Giám đốc điều hành của Vietsway, một DN chuyên về các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chia sẻ một số vấn đề khiến việc xuất khẩu sang thị trường khó tính này thất bại. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là các DN không hiểu và nắm bắt tốt về các chính sách cũng như thông tin đối ngoại. Bên cạnh đó, DN cũng không thiết lập được mối quan hệ tốt với nhà phân phối tại Mỹ, hay các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, hải quan, luật sư… Một số vấn đề khác là chất lượng sản phẩm không được kiểm soát kỹ; chi phí cao…
Đưa ra các cảnh báo sớm về vấn đề tranh chấp thương mại, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, tính tới thời điểm hiện tại cơ quan này đã giải quyết khoảng 50 vụ việc tranh chấp giữa 2 bên Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó 66% số vụ việc liên quan tới xuất nhập khẩu. Điều đặc biệt là 2/3 trong số các vụ việc này là do phía DN Việt Nam khởi xướng.
Thực tế là từ năm 2018 tới nay tại VIAC không ghi nhận vụ tranh chấp nào giữa DN Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Đạt khuyến cáo các DN không nên quá lạc quan bởi trên thực tế cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chứng kiến một số hành động gian lận nhất định. Vừa qua xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã gia tăng nhanh chóng trong khi năng lực chưa đáp ứng hết.
“Giả sử sau này có vấn đề, đối tác Mỹ của DN gặp thiệt hại thì họ có thể kiện DN. Tôi chỉ ví dụ hàng không thông quan kịp, đối tác của DN Việt lại là nhà nhập khẩu trung gian và họ không có hàng để giao kịp thời, sau đó họ bị đối tác Hoa Kỳ kiện lại vì chậm đơn hàng, họ sẽ quay lại kiện DN Việt”, ông Đạt cảnh báo.
Việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ thất bại. Nguyên nhân lớn nhất là các DN không hiểu và nắm bắt tốt về các chính sách cũng như thông tin đối ngoại. Bên cạnh đó, DN cũng không thiết lập được mối quan hệ tốt với nhà phân phối tại Mỹ, hay các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, hải quan, luật sư… |