Xúc tiến, quảng bá du lịch đi vào chiều sâu
Khởi động chương trình quảng bá du lịch quốc gia #WhyVietnam | |
Nâng tầm quảng bá du lịch |
Trong danh sách này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6, dựa trên tỷ lệ tăng trưởng và số lượng khách quốc tế trong toàn bộ năm 2016. Đây có thể xem là những nỗ lực của ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2017 ước đạt 1.036.880 lượt, tăng 9,2% so với tháng 6/2017 và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy đây là tháng thứ 5 lượng khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1 triệu lượt/tháng.
Tính chung 7 tháng năm 2017, ước đạt 7.243.216 lượt khách, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đánh giá của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong thành công đó, có phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá. Chính vì vậy, công tác này cần tiếp tục được đẩy mạnh và có chiến lược bài bản.
Có thể thấy, việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam từng bước được đổi mới, mở rộng về quy mô, phạm vi hoạt động với nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức ở trong nước và ngoài nước. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng ngày càng đa dạng, tận dụng được thế mạnh công nghệ thông tin. Việt Nam đã chủ động tham gia những sự kiện du lịch quốc tế lớn như đại hội thể thao quốc tế, hội chợ, liên hoan, lễ hội du lịch, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương APEC Việt Nam 2017.
Hàng năm, Tổng cục Du lịch tham gia 13-14 hội chợ quốc tế, trong đó có 6 hội chợ tham gia thường kỳ đều dặn như: Travex, ITB Đức, MITT Nga, TTM Plus Thái Lan, JATA Nhật Bản, WTM Anh. Việc này đang từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam ở những sân chơi lớn trên thế giới.
Thủ đô Hà Nội những năm gần đây đã đón lượng khách du lịch quốc tế ngày một tăng cao. Trong 7 tháng đầu năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14.025.687 lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2.786.187 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc xây dựng, nâng cấp và phát triển các điểm du lịch, thì việc quảng bá, xúc tiến là rất quan trọng trong việc thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội. Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá tại nhiều nước có tiềm năng khách du lịch lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Đơn cử mới đây để thu hút khách du lịch Nhật Bản, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý chủ trương cho phép Sở Du lịch Hà Nội triển khai chương trình quảng bá đối ứng giữa TP. Hà Nội và TP. Tokyo năm 2017. Nhật Bản là thị trường có số lượng khách quốc tế đến Hà Nội cao thứ 3, sau Trung Quốc và Hàn Quốc và chiếm thị phần trên 8% tổng lượng khách quốc tế có lưu trú tại Hà Nội.
Đặc biệt, khách Nhật Bản đến Hà Nội chiếm thị phần khá với khoảng từ 30 - 32% tổng lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam. Năm 2015, lượng khách Nhật Bản đến Hà Nội tăng khoảng 5% đạt 228,6 ngàn lượt. Năm 2016, tăng 4% đạt 238 ngàn lượt. Việc chương trình quảng bá đối ứng giữa TP. Hà Nội và TP. Tokyo thực sự mạng lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả thiết thực, vừa quảng bá hình ảnh của Thủ đô hai nước, vừa là cơ hội để thu hút lượng khách du lịch từ Nhật Bản đến với Hà Nội.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá và tham gia các sự kiện du lịch quốc tế. Những tháng đầu năm, Sở đã tổ chức thành công Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2017 với các hoạt động như giới thiệu, quảng bá du lịch Hà Nội tại gian hàng chung, tổ chức họp báo giới thiệu du lịch Thủ đô Hà Nội, tham gia vào các sự kiện chung của Asean như Diễn đàn Du lịch Mekong, Lễ phát động chiến dịch Visit Asean @50 cho thị trường châu Âu…
Đặc biệt đầu năm 2017, việc quảng bá du lịch trên kênh CNN được xem là bước đột phá giúp Thủ đô thu hút du khách quốc tế. Bên cạnh đó, Sở cũng đã hợp tác với nhiều hàng lữ hành du lịch lớn trên thế giới để quảng bá hình ảnh cũng như liên kết khách quốc tế với thị trường Việt Nam.
Trong những tháng cuối năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch trên địa bàn và trong nước, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn tại các thị trường trọng điểm và thị trường khách mới, tham gia đón đoàn doanh nghiệp và báo chí Anh, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan… đến khảo sát điểm đến du lịch Hà Nội.
Có thể nói, vai trò của xúc tiến du lịch, quảng bá trong việc thu hút khách du lịch quốc tế là rất lớn. Tuy nhiên theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh việc ngân sách cấp cho công tác xúc tiến du lịch còn nhỏ, thì công tác tổ chức vẫn chưa đi vào chiều sâu. Chính vì vậy cần có thêm các chính sách cũng như tạo cơ chế để hoạt động xúc tiến du lịch mang lại hiệu quả hơn nữa.
Trước thực trạng đó, Tổng cục Du lịch cũng đề ra một số giải pháp cho những tháng cuối năm. Đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trưởng mạnh; Duy trì tốc độ phát triển ổn định của các thị trường truyền thống khác, đặc biệt là các thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; Đẩy mạnh ứng dụng maketing điện tử trong xúc tiến, quảng bá cả du lịch nội địa và quốc tế; Tăng cường kết nối hàng không, triển khai mở đường bay mới cả quốc tế và nội địa…