ASEAN+3 đồng lòng nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 | |
Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW ASEAN+3 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đồng chủ trì hội nghị |
Nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch
Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm 4,9%; khu vực châu Á giảm 1,6%. Trong đó, khu vực ASEAN dự báo tăng trưởng ở mức âm 2%; các nước ASEAN+3 gồm Nhật Bản tăng trưởng dự báo âm 5,8%; Hàn Quốc âm 2,1%; Trung Quốc tăng trưởng 1%.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN+3 lần thứ 23 (AFMGM+3) lần này đã tập trung bàn về các giải pháp chính sách mà các nền kinh tế khu vực đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế, bao gồm gói các giải pháp về tài khóa, tiền tệ và quy định quản lý hệ thống tài chính.
Tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW của các quốc gia trong khu vực đã chia sẻ các giải pháp chính sách mang tính toàn diện nhằm duy trì ổn định tài chính và giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch. Với Việt Nam, NHNN Việt Nam đã hai lần giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện các TCTD giảm sâu lãi suất để hỗ trợ người dân, DN.
Cùng với đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt phù hợp với cung cầu thị trường; điều chỉnh quy định liên quan cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng, đồng thời tiếp tục triển khai các cải cách hệ thống và tăng cường hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hệ thống.
Các giải pháp đồng bộ và linh hoạt trong công tác điều hành chính sách của NHNN đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống. Thị trường tiền tệ ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, qua đó góp phần duy trì môi trường kinh doanh ổn định cho DN. Những kết quả khả quan này là yếu tố quan trọng góp phần củng cố mức tín nhiệm quốc gia và duy trì lòng tin của các nhà đầu tư đối với kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế và khu vực còn gặp nhiều thách thức và khó khăn, dự báo năm 2020 Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương, ước tính ở mức 2% - 2,5% và năm 2021 dự báo tăng trưởng đạt khoảng 6,7%. Các hành động chính sách của Chính phủ Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế và các nước ASEAN+3 tham dự hội nghị đánh giá cao.
Tăng cường ổn định tài chính khu vực
Các Bộ trưởng và Thống đốc NHTW ASEAN+3 nhận định, trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, các tác động do đại dịch gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý tài chính, tiền tệ trong việc xây dựng, ban hành các biện pháp, chính sách kịp thời, hiệu quả nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các nền kinh tế trước các cú sốc, qua đó giúp duy trì sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tài chính.
Các đại biểu nhất trí cho rằng hợp tác khu vực, trong đó có hợp tác tài chính, là yếu tố quan trọng giúp các quốc gia tăng cường năng lực phối hợp và ứng phó với các tác động của đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách bền vững.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi nhất trí tiếp tục làm việc cùng nhau để tăng cường hơn nữa sự ổn định kinh tế và tài chính khu vực, bao gồm thông qua sửa đổi Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), hoan nghênh và hỗ trợ Cơ quan Giám sát Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện trung hạn (MTIP) mới giai đoạn 2020-2024, tiếp tục triển khai Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), cũng như các sáng kiến mới trong Định hướng chiến lược Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3”, Tuyên bố chung nhấn mạnh.
Trong đó liên quan đến Định hướng chiến lược Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3, các sáng kiến mới sẽ được triển khai bao gồm: Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại, kết nối thanh toán và đầu tư; Phát triển sáng kiến toàn diện về tài chính cơ sở hạ tầng; Thiết kế các công cụ hỗ trợ để giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; Hài hòa hóa các sáng kiến hợp tác về tài chính chống biến đổi khí hậu như Sáng kiến Cơ chế Bảo hiểm Rủi ro thiên tai (SEADRIF); và Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính.
Hội nghị cũng thông qua các nội dung kỹ thuật quan trọng, bao gồm sửa đổi CMIM. Các sửa đổi này sẽ góp phần tích cực trong việc tăng tính sẵn sàng, hiệu quả hoạt động của CMIM, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường tài chính, hướng tới mục tiêu đưa CMIM trở thành công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực và toàn cầu.
Thống đốc Lê Minh Hưng: Để đối phó với đại dịch cần có sự hợp tác chặt chẽ Tất cả chúng ta đều có chung nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Đại dịch kéo dài là nguy cơ ảnh hưởng lớn đến triển vọng của khu vực, do sự hội nhập sâu rộng của khu vực với thế giới. Với việc thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ toàn diện, Bộ Tài chính và NHTW các nước đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong cộng đồng ASEAN + 3, những kết quả đáng khích lệ đạt được từ quá trình phối hợp hợp tác tài chính - ngân hàng đã giúp duy trì niềm tin thị trường và uy tín tài chính của khu vực. Thực tế chỉ ra, để đối phó với đại dịch cần có sự hợp tác chặt chẽ, sự đoàn kết và các hành động nhanh chóng của các nền kinh tế thành viên. Và chúng ta đều thừa nhận tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác và thắt chặt đoàn kết để cùng nhau nỗ lực và vượt qua thời gian khó khăn sắp tới. Các thành viên đã chỉ ra sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề do đại dịch gây ra. Đồng thời, nêu bật các vấn đề mang tính cấu trúc trong trung và dài hạn cần được triển khai để xây dựng khả năng phục hồi của khu vực, như tăng cường thương mại và chuỗi cung ứng, thúc đẩy số hóa, nâng cao năng suất và đối phó với bất bình đẳng và tình trạng nợ nần. |