Bán xăng sinh học đại trà từ 2018
Dọn đường rộng cho xăng E5 | |
Xăng E5: Cần cơ chế khuyến khích sản xuất và sử dụng |
Các DN đã sẵn sàng
Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 4 nhà máy, tổng sản lượng nguồn cung xăng khoán E100 (dùng để pha chế xăng sinh học E5) ra thị trường vượt hơn 400.000 m3/năm, đảm bảo nguồn cung khi chuyển từ xăng RON 92 sang xăng 95 là 275.000 m3/năm.
Nhà máy xăng E5 ở Bình Phước |
Các DN như Petrolimex chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam với tỷ lệ 40%, PVOil là hơn 20%... cũng đã chuẩn bị từ rất lâu và sẵn sàng điều kiện kinh doanh phổ biến xăng E5 theo đúng lộ trình của Chính phủ. Nhiều DN đã chủ động lập kế hoạch đảm bảo nguồn xăng khoán E100, đặc biệt là nguồn cung trong nước.
Điển hình như Petrolimex đã chuẩn bị tổng thể hạ tầng pha chế và bố trí khu vực pha chế, cũng như chuẩn bị nguồn xăng khoán E100, với năng lực pha chế đạt 4 - 4,5 triệu m3 xăng E5/năm. Hiện tại, hơn 60% địa điểm bán trên cả nước của Petrolimex đã chuyển đổi kinh doanh phổ biến xăng E5. Tại TP.HCM, DN này đã hoàn thành 100% chuyển đổi kinh doanh phổ biến xăng E5.
Hơn thế, PVOil công bố sẵn sàng cho việc kinh doanh đại trà xăng E5 kể từ ngày 15/12/2017, sớm hơn tiến độ Chính phủ chỉ đạo là 15 ngày. Thời điểm hiện tại, PVOil đã đảm bảo việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; nguồn cung, kế hoạch sản xuất, vận chuyển xăng E5 từ nơi pha chế đến kho trung chuyển, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc cũng như cung ứng ra thị trường.
Nói về nguồn cung cồn đảm bảo việc phối trộn ra xăng E5 cung cấp cho thị trường hiện nay, ông Vũ Kiên Chỉnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết, trước đây 70% lượng cồn sản xuất ra là phục vụ xuất khẩu, nhưng hiện nay, mức tiêu thụ sản phẩm E100 trong nước tăng lên, dự kiến tháng 12/2017 sẽ tiêu thụ khoảng 15.000 m3, do vậy DN đã giảm bớt xuất khẩu và tập trung cho thị trường trong nước.
“Với năng lực hiện có, gồm Nhà máy cồn Đồng Nai và Nhà máy cồn Quảng Nam, sắp tới là Bình Phước và Dung Quất, nguồn nguyên liệu E100 cung cấp cho thị trường sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ hiện nay. Dự kiến khi tất cả nhà máy cùng đi vào hoạt động không tải, lượng E100 sẽ dư thừa nếu dùng xăng sinh học đại trà từ ngày 1/1/2018”, ông Chỉnh cho biết thêm.
Theo thống kê, TP.HCM có 534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, với hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay có công suất chứa 1.232.129 m3 (chưa kể kho của quân đội). Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố bình quân ước đạt 173.333 m3 xăng dầu/tháng, trong đó xăng E5 chỉ chiếm khoảng 8.053 m3/tháng. TP.HCM có 33 DN đầu mối, tổng đại lý phân phối, trong đó có 3 đơn vị chủ lực phối chế và cung ứng xăng E5, sản lượng ước tính sẽ đạt 166.000 m3/tháng.
Để giá xăng E5 phù hợp
Theo Bộ Công Thương, ở khu vực phía Nam, chỉ có TP. Cần Thơ hoàn thành 100% kinh doanh phổ biến xăng E5 theo đúng lộ trình đã đề ra.
“Vẫn còn một số cửa hàng băn khoăn sợ đến ngày 1/1/2018, không bán hết số xăng A92 tồn kho thì lượng tồn sẽ xử lý ra sao? Giá thành giữa xăng E5 và xăng khoáng A92 vẫn còn chênh lệch và chi phí đầu tư cho xăng E5 vẫn cao, có hỗ trợ nào cho các DN, đại lý, cửa hàng hay không?
Sở cũng đã ghi nhận ý kiến và có báo cáo UBND thành phố để giải quyết, đến nay công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất”, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết. Tính đến ngày 6/12/2017, mới có 240/534 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM tham gia phân phối xăng E5 (chiếm tỷ lệ 45%). Để triển khai đồng loạt sở đã chỉ đạo quản lý thị trường kiểm tra và xử lý nghiêm những DN không thực hiện chủ trương.
Lý giải nguyên nhân việc thực hiện kinh doanh phổ biến xăng E5 ra thị trường chưa hoàn thành, một số tỉnh thành cho rằng, do cơ chế giá chưa có tính khuyến khích, chưa công bố rộng rãi tiêu chuẩn chất lượng… để người dân có thể tin dùng, DN có động lực tham gia tích cực.
Là đơn vị chuyển đổi 100% kinh doanh xăng E5, ông Phạm Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ chia sẻ: “Khi mới triển khai, người dân chưa tin dùng, DN ngại tốn kém. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và có kế hoạch xây dựng lộ trình hỗ trợ DN chuyển đổi nên đã đạt được hiệu quả cao. Song song với các giải pháp thúc đẩy kinh doanh phổ biến xăng E5, cần thực hiện kiểm tra, nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn cho DN”.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định chủ trương của Chính phủ ngày 1/1/2018 là thời điểm chính thức kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5, chứ không phải là thời điểm chuẩn bị, bởi trước đó Chính phủ đã công bố lộ trình đưa xăng sinh học E5 ra thị trường đến các DN. Vì vậy, nếu các đơn vị đặt ra vấn đề xử lý nguồn xăng RON 92 tồn đọng và có nhiều thách thức trong hoàn thành kế hoạch chuyển đổi kinh doanh phổ biến xăng E5 theo lộ trình của Chính phủ là không thỏa đáng.
Theo ông Vượng, để giải quyết khó khăn về giá và thuế phí của xăng E5 và Ron 95 (hiện giá chênh lệch dao động trong khoảng 1.000 - 1.200 đồng/lít), Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để có các mức thuế, giá hấp dẫn hơn, giúp DN cũng như người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn xăng sinh học E5.