Xăng E5: Cần cơ chế khuyến khích sản xuất và sử dụng
Xăng E5 sẽ hoàn toàn thay thế RON 92 | |
Tạo đột phá cho xăng sinh học E5 | |
Vì sao xăng E5 chưa phổ biến trên thị trường? |
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5RON92 và xăng khoáng RON95 trên phạm vi toàn quốc. Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, hiện nay sản lượng bán E5 đang chiếm khoảng 7% tổng lượng bán ra của Petrolimex (khoảng 3 triệu tấn/năm). Petrolimex cam kết đảm bảo đủ lượng xăng E5 cung cấp cho thị trường. Trong trường hợp DN Tùng Lâm và một số nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol trong nước không đủ nguồn, Bộ Công Thương cho phép các DN đầu mối được nhập khẩu ethanol (E100) để phối trộn.
“Nguồn ethanol từ Hàn Quốc, Philippines đã được Petrolimex tính đến. Tuy nhiên mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng khoáng hiện tại chỉ từ khoảng 300-500 đồng/lít là chưa khuyến khích người tiêu dùng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng chưa đầy đủ, rộng rãi. Hiện tại người tiêu dùng mới mua xăng E5 vì giá thấp hơn chứ chưa thực sự vì mục tiêu môi trường”, ông Năm cho biết.
Ảnh minh họa |
Đại diện một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng, để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5, cần có chính sách giá xăng E5 tốt hơn. Theo đó, cần giảm thuế môi trường và có chính sách hỗ trợ giá để xăng E5 có mức tăng thấp hơn xăng truyền thống từ 1.000-1.500 đồng/lít.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, bộ đã thành lập đoàn kiểm tra tiến độ của các nhà máy nhiên liệu sinh học. Hiện tại 2 nhà máy sản xuất của Tùng Lâm có công suất 160.000 tấn/năm đang đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. 2 nhà máy Dung Quất và Bình Phước đang được gấp rút đưa hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, việc thực hiện thanh tra chuyên ngành về chất lượng xăng E5 lưu thông trên thị trường thời gian qua đều đảm bảo theo quy định và chưa có bất kỳ khiếu nại nào của người tiêu dùng về chất lượng xăng E5. Bên cạnh đó, xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% ethanol khan (99,5%). Do ethanol có trị số octane (RON) cao tới 108 - 109 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octane (tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu).
Cùng với đó, ông Phạm Hữu Tuyên, Viện Cơ khí động học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, qua các kết quả thử nghiệm cho thấy, “Xăng E5 và RON 92 về tiêu chuẩn là tương tự nên người tiêu dùng mua xăng đổ lẫn 2 loại xăng này không làm ảnh hưởng tới động cơ. Nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết”, ông Tuyên khẳng định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đưa xăng E5 vào sử dụng rộng rãi thì việc thay đổi nhận thức người tiêu dùng sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định thành công. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần thiết để đưa việc sử dụng nhiên liệu sinh học vào luật. Hiện tại các quốc gia như Philippines đã đưa nhiên liệu sinh học vào luật từ năm 2006. Năm 2009 bán đồng loạt xăng E5 và 2010 đã bán rộng rãi E10. Tại Thái Lan, hiện đã bán xăng E20, và một số nước EU như Đức cũng đưa nhiên liệu sinh học vào luật và áp dụng việc tiêu thụ E5 vì mục tiêu môi trường.
Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ xăng trong cả nước hiện lên tới khoảng 6 triệu tấn/năm. Do đó, nếu việc tuyên truyền không tốt, không có giá tốt thì người tiêu dùng vẫn còn lựa chọn khác khi xăng RON 95 vẫn được bán song song với xăng E5. Vấn đề này được ông Hoàng Minh Phương, Phó cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cho biết, cơ quan này sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vận động truyền thông, khuyến khích cộng đồng sử dụng nhiên liệu sinh học bằng các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng phù hợp với dân trí của từng nhóm đối tượng, vùng miền… Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng qua đó tích cực cải thiện môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo đúng cam kết của Chính phủ.