Bất động sản Hà Nội năm 2020: Nhiều tín hiệu tốt về nguồn cung
Ảnh minh họa |
Căn hộ dịch vụ: Nguồn cung tăng, giá giảm
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, trong quý IV/2019, thị trường căn hộ dịch vụ phải cạnh tranh gay gắt với thị trường căn hộ để bán. Các chỉ số như công suất sử dụng, giá đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Do sự xuất hiện của một dự án hạng A mới, tổng nguồn cung căn hộ dịch vụ đạt xấp xỉ 4.600 căn, tăng 6% theo quý; giá trung bình tăng 6% theo năm, lên tới 26 USD/m2/tháng; công suất sử dụng ghi nhận giảm 2 điểm phần trăm theo quý và giảm -4 điểm phần trăm theo năm.
Năm 2020, ước tính toàn thị trường sẽ có thêm 2.700 căn hộ dịch vụ được cung cấp từ 22 dự án sẽ mở cửa, trong đó có 3 dự án thuộc khu phía Tây và các dự án còn lại thuộc khu nội thành; riêng quận Tây Hồ sẽ cung cấp 47% nguồn cung tương lai.
Bán lẻ: Quận Hoàn Kiếm hoạt động tốt nhất thị trường
Bà Đỗ Thu Hằng cho biết, trong quý IV/2019, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đạt khoảng 1,6 triệu m2, tăng 5% theo quý và 14% theo năm sau khi một trung tâm bách hóa tại quận Hà Đông đi vào hoạt động.
“Aeon Mall Hà Đông có quy mô khoảng 74.000m2 sàn đã đi vào hoạt động, điều này tác động lớn đến nguồn cung mặt bằng bán lẻ không chỉ khu vực Hà Đông mà cả khu vực lân cận”, bà Đỗ Thu Hằng chia sẻ.
Về giá cho thuê mặt bằng bán lẻ, trung bình toàn thị trường khảng 105 USD/m2/tháng. Trong đó, các quận Đống Đa, Ba Đình có giá thuê thấp hơn, chỉ khoảng một nửa so với Hoàn Kiếm. Về cho thuê, quận Hoàn Kiếm cũng đạt công suất cao nhất, tới 95%.
Giá thuê gộp trung bình tầng trệt trong quý IV/2019 tăng 2% theo quý nhưng giảm -1% theo năm, trong khi công suất thuê giảm -1 điểm phần trăm theo quý và tăng 2 điểm phần trăm theo năm. Khu vực phía Tây ghi nhận có sự cải thiện tốt nhất.
Năm 2020, dự kiến sẽ có 14 dự án gia nhập thị trường và cung cấp 88.000m2 mặt bằng bán lẻ.
“2019-2020 có một lượng cung lớn đi ra thị trường, đa số nguồn cung nằm ở phần chân đế. Nguồn cung tương lai nằm chủ yếu ở khu vực phía Tây và các quận nội thành”, bà Đỗ Thu Hằng cho hay.
Khách sạn: Công suất sử dụng cải thiện
Cũng theo bà Đỗ Thu Hằng, trong năm 2019, thị trường khách sạn có nhiều biến động về nguồn cung. Một số khách sạn 3 sao bị xuống hạng, có 1 khách sạn 4 sao đi vào hoạt động.
Hiện thị trường có khoảng 9.800 phòng từ 65 khách sạn. Công suất sử dụng toàn thị trường đạt 74%, tăng 2 điểm phần trăm, giá thuê trung bình tăng 7% theo năm.
Trong năm 2020, có 6 khách sạn với khoảng 1.200 phòng sẽ gia nhập thị trường. Từ năm 2020 trở đi, 9.100 phòng từ 48 dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động.
Văn phòng: Giá thuê tăng
Trong quý IV/2019, tổng nguồn cung văn phòng đạt khoảng 1,8 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 10% so với năm trước; trong khi đó giá thuê văn phòng tăng 1% theo quý và 5% theo năm; công suất thuê tăng 2 điểm phần trăm theo quý nhưng giảm -1 điểm phần trăm theo năm.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, công suất thuê văn phòng cải thiện nhất tại Hạng C trong khi giá thuê tăng mạnh nhất tại hạng B.
Năm 2020, có 8 dự án với 169m2 sẽ gia nhập thị trường văn phòng cho thuê, phần lớn nằm ở khu vực nội thành.
Biệt thự và nhà liền kề: Hạn chế nguồn cung sơ cấp
Tổng nguồn cung thị trường biệt thự và nhà liền kề đạt 49.800 căn, tăng 1% theo quý và 9% theo năm.
Nguồn cung sơ cấp năm 2019 giảm -28% theo năm; tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ đạt mức cao với 87%. Trong quý IV/2019, nguồn cung sơ cấp đạt gần 1.300 căn, tăng 2% theo quý nhưng giảm -70% theo năm.
Trong năm 2019, huyện Gia Lâm dẫn đầu với 38% tổng lượng giao dịch, quận Hà Đông theo sau với 17%.
Đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn tung ra thị trường. Huyện Đông Anh và Đan Phượng dự kiến chiếm 57% nguồn cung tương lai.