Bất động sản hồi phục trong thách thức
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 ngành xây dựng, diễn ra ngày 7/1, đại diện một DN bất động sản (BĐS) ở Hà Nội cho biết, thị trường nhà đất cuối năm 2013 so với đầu năm đã ấm lên, có “động đậy” với nhiều tín hiệu đáng mừng. Nói về thị trường nhà đất khi năm 2013 đã kết thúc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, BĐS ấm lên gắn với sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Trên bình diện chung, những điểm nổi bật nhất nền kinh tế Việt Nam năm 2013 đạt được là tăng trưởng tín dụng gần 12%, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, khả năng tiếp cận vốn của các DN dễ dàng hơn... “Lòng tin thị trường dần quay trở lại, thị trường BĐS ấm lên với giao dịch cao hơn, tồn kho giảm”, Phó thủ tướng cho biết thêm.
Thị trường BĐS đang ấm dần
Trong năm qua, những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS của Bộ Xây dựng và các địa phương như thúc đẩy thay đổi cơ cấu nhà ở, xử lý vướng mắc về đất đai, sổ đỏ... đã đưa hàng loạt dự án vào hoạt động. Theo thống kê sơ bộ, toàn thị trường có thêm 34 dự án nhà ở xã hội, gần 20.000 căn hộ cho người thu nhập thấp ở đô thị, cùng hàng loạt dự án khác đang tiếp tục triển khai.
Bộ Xây dựng cho rằng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, đồng thời gắn với quản lý, hướng đến người dân đã đạt được kết quả khả quan ban đầu.
Thay đổi lớn đầu tiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Cơ cấu hàng hóa BĐS đã dần được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường theo hướng tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp”. Cả nước hiện có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô gần 35.000 căn, tổng mức đầu tư hơn 20.500 tỷ đồng; 62 dự án đăng ký điều chỉnh diện tích từ 32.000 căn thành 40.500 căn hộ...
Cũng theo ông Dũng, hiện giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010 và hầu hết các dự án đã giảm từ 10-30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, do đó có lợi cho người mua.
Những thay đổi thích ứng hơn với thị trường ở giai đoạn này khiến cho giao dịch đã ấm trở lại. Năm 2013, lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng dần trong những tháng cuối. Theo đó, lượng giao dịch quý III và IV/2013 gấp đôi so với quý I, II/2013, nhất là đối với phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, có giá bán hợp lý. Cùng với sự ấm lên của thị trường BĐS, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cũng cao hơn. Nhiều dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán. Niềm tin của khách hàng vào thị trường đang dần được hồi phục.
Theo đó, tồn kho BĐS có xu hướng giảm dần. Tính trên phạm vi toàn quốc, đến ngày 15/12/2013, tổng giá trị tồn kho khoảng 94.458 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I/2013. Lượng giảm tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư: 20.012 căn, tương đương 29.230 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 13.585 căn, tương đương 24140 tỷ đồng; tồn kho đất nền là 34.890 tỷ đồng…
Ngay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số căn hộ tồn kho đã giảm đáng kể. Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2013 tiêu thụ được 5.077 căn hộ trên tổng số 14.490 căn hộ tồn kho đến cuối năm 2012, đạt trị giá giao dịch 8.920 tỷ đồng. Còn tại Hà Nội, thị trường BĐS đã có chuyển biến, giao dịch mua bán nhà chung cư, đất nền diện tích nhỏ đã nhiều hơn, giảm hơn 2.000 căn hộ tồn kho. Tính đến nay, Hà Nội tồn kho 6.580 căn chung cư và thấp tầng, tương đương 12.900 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh tồn kho 7.830 căn chung cư và đất nền, tương đương 17.480 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, có được kết quả trên là do Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS theo nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự Hội nghị đồng tình rằng, thị trường BĐS còn tồn tại nhiều khó khăn như tồn kho còn cao, nhất là ở phân khúc BĐS trung và cao cấp. Đây thực sự là một thách thức đặt ra cho các DN, nhà đầu tư năm 2014. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng còn chậm…
Vì vậy, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tất cả các bộ, ngành cần phối hợp khắc phục vấn đề này vì đó là vấn đề lớn, vĩ mô chứ không phải là vấn đề riêng của ngành xây dựng. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định về tín dụng, lãi suất… để hỗ trợ cho thị trường BĐS, nhất là nguồn vốn hỗ trợ cho thị trường này sẽ ra sao sau khi thực hiện xong gói 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu ngành xây dựng xác định các mục tiêu chủ yếu của ngành, triển khai nhanh từ đầu năm những mục tiêu đề ra; tiếp tục tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong các kỳ họp tới...
Bài và ảnh Trường Sơn