Cá tra hướng về thị trường nội địa
“Nữ hoàng cá tra” vịn vào phao chứng khoán | |
Thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa cá tra | |
Cá tra nỗ lực “vượt ải” |
Giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản có trụ sở tại An Giang cho biết, trong 2 tháng trở lại đây, công ty đã chuyển hướng thành công đối với không chỉ mặt hàng phi-lê cá tra, mà cả đối với cá tra nguyên con. Thay vì trước kia, đối với cá tra, DN chỉ để xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu, nhưng nay vì tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều bạn hàng tạm ngưng nhập khẩu khiến cho hoạt động công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, công ty đã kết nối được với một số DN chế biến thủy sản trong nước. Từ mặt hàng cá tra nguyên con hoặc phi-lê cá, các nhà tiêu thụ chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, dùng trong các bữa ăn của trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp...
Các sản phẩm cá tra Việt đang nỗ lực xây dựng vị thế tại thị trường nội địa |
“Trung bình mỗi đơn hàng trong nước với khối lượng khoảng từ 5-7 tấn cá được phân phối tập trung từ An Giang ra Hà Nội, sau đó lên xe tỏa đi một số tỉnh lân cận để đến với các nhà hàng, bếp ăn tập thể. Mặc dù, giá trị thu về trước mắt chưa cao, nhưng đây là giải pháp tình thế, là “cứu cánh” cho DN trong bối cảnh sức cầu từ các bạn hàng nước ngoài sụt giảm mạnh”,vị giám đốc này chia sẻ thêm.
Cũng theo cách đó, nhiều DN chế biến cá tra đã cùng nhau bắt tay liên kết để con cá tra có thể “bơi” tại thị trường nội địa.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, vừa qua có nhiều DN đã ký kết tiêu thụ mặt hàng cá tra với các DN chế biến của Việt Nam và đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể… Có thể kể ra những cái tên như Công ty IDI và Big C (Central Group), Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt, Công ty Xuyên Việt và Big C (Central Group), Công ty Hùng Cá và Hiệp hội Nông nghiệp Bắc Ninh.
Thực tế, việc “bắt tay” kết nối tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa tạo điều kiện cho các DN trong nước có nguồn tiêu thụ ổn định. Đối với người tiêu dùng, sản phẩm cá tra nguyên con và cá tra phi-lê được khách hàng đánh giá rất cao bởi giá cả phải chăng, dễ chế biến, ngon miệng, đặc biệt là không có xương, mềm, phù hợp với học sinh nên được các nhà ăn trường học ưa thích.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng, sản lượng cá tra ước đạt hơn 587.000 tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 660 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành hàng cá tra Việt Nam hiện xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới, song do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của mặt hàng này bị đình trệ. Vì vậy, không ít DN xuất khẩu cá tra đang có sự chuyển hướng lấy thị trường nội địa làm chủ lực phát triển để dần khôi phục thị trường xuất khẩu khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc bắt tay liên kết tìm hướng mở rộng thị trường nội địa, các DN cần chú trọng đầu tư công nghệ vào những công đoạn chế biến sâu, tạo ra sản phẩm giá trị cao như dầu ăn, collagen, gelatin… nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra. Từ đó, tạo những bước tiến trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là đột phá trong công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra. Ngành hàng cá tra hiện cũng đang được các DN tái cơ cấu theo hướng hiện đại, để khẳng định vai trò số một trên thị trường quốc tế về cung ứng sản lượng, cũng như sản phẩm sạch cho nhu cầu hội nhập quốc tế đối với nông sản Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải vì khó khăn mới quay về thị trường nội địa mà phải xem đây là một thị trường trọng điểm. Các DN cần đặc biệt chú trọng đến thị hiếu người tiêu dùng và từng bước thay đổi góc nhìn về cá đông lạnh. Ước tính, nếu đẩy tiêu thụ ở trong nước được 20 - 30% sản lượng thì ngành cá tra sẽ phát triển bền vững. Trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạo mọi điều kiện kết nối, hỗ trợ các DN sản xuất, phân phối tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa.
Bên cạnh việc bắt tay liên kết tìm hướng mở rộng thị trường nội địa, các DN cần chú trọng đầu tư công nghệ vào những công đoạn chế biến sâu, tạo ra sản phẩm giá trị cao như dầu ăn, collagen, gelatin… nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra. Từ đó, tạo những bước tiến trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là đột phá trong công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra. Ngành hàng cá tra hiện cũng đang được các DN tái cơ cấu theo hướng hiện đại, để khẳng định vai trò số một trên thị trường quốc tế về cung ứng sản lượng, cũng như sản phẩm sạch cho nhu cầu hội nhập quốc tế đối với nông sản Việt Nam. |