“Nữ hoàng cá tra” vịn vào phao chứng khoán
Báo cáo tài chính của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy trong khoản mục đầu tư chứng khoán bất ngờ xuất hiện với giá trị 193,6 tỷ đồng. Tại danh mục đầu tư, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các mã Công ty MWG, FPT, HPG, trong đó VHC giải ngân 87,3 tỷ đồng vào MWG; 28,6 tỷ đồng vào FPT và 23,6 tỷ đồng HPG. Cuối kỳ VHC cũng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào MWG hơn 4,9 tỷ đồng.
Có thể thấy việc cấu trúc lại danh mục tài sản, trong đó phân bổ một phần vốn vào chứng khoán giúp cho cấu trúc tài sản của Vĩnh Hoàn đa dạng và linh hoạt hơn. Giá nhiều cổ phiếu đang xuống mức thấp hấp dẫn cũng là điều thu hút. Mặc dù, chứng khoán luôn là kênh đầu tư đầy rủi ro và rất khó quản lý và tính thời điểm, nhất là cho các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm với “sòng bài tài chính” như VHC.
Ảnh minh họa |
Lý do VHC tham gia vào thị trường chứng khoán để kiếm thêm lợi nhuận có thể xuất phát từ các khó khăn quá lớn trên thị trường cá tra từ đầu năm 2020 đến nay. Lợi nhuận 6 tháng của doanh nghiệp đầu ngành này chỉ còn gần 368 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm hơn 50%.
Có quá nhiều khó khăn đang bủa vây Vĩnh Hoàn, khi dịch bệnh Covid-19 khiến kênh xuất khẩu cá tra thành phẩm sang các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu bị đứt quãng. Các mảng mới như Collagen đang ở giai đoạn chớm nở, chưa trở thành trụ cột có tính trọng yếu cho công ty. Ở mảng buôn bán thức ăn chăn nuôi, do giá cá tra liên tục ở mức quá thấp, khiến cho nông dân e ngại không muốn thả nuôi mới.
“Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục đứng ở mức thấp, dao động trong khoảng 18.000 đến 19.000 đồng/kg đối với loại 700 đến 800 gram/con, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 đến 22.000 đồng/kg, giảm 40% so với cùng thời điểm năm 2019”, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Tuy nhiên theo nhận định của Công ty chứng khoán KB Việt Nam, Vĩnh Hoàn vẫn có cơ hội để phục hồi, khi Hiệp định EVFTA đã được phê chuẩn và đang có hiệu lực từ tháng 8 này sẽ giảm mức thuế nhập khẩu từ 5,5% xuống còn 4,1% có thể sẽ giúp VHC đạt được kế hoạch doanh thu đã đề ra. Trong khi đó, thị trường châu Âu vẫn cho thấy dấu hiệu phục hồi tốt khi doanh thu xuất khẩu quý 2/2020 tăng mạnh 60,8% so với cùng kỳ. Nhu cầu tại thị trường này vẫn cao khi kênh phân phối chủ yếu của VHC tập trung ở siêu thị hơn là các nhà hàng và quán ăn. Tuy vậy, đại dịch xảy ra ở Bắc Kinh cũng có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh cuối cùng của VHC khi kịch bản tích cực giả định rằng thị trường cá tra thế giới sẽ khôi phục trong quý 3 này.
Trong bối cảnh hiện tại chưa có những cơ hội kinh doanh rõ ràng, thay vì đầu tư vào các loại hình tài chính hay bất động sản, hình thức nắm giữ tiền mặt có thể là lựa chọn an toàn hơn tất cả. Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu kinh nghiệm quản trị kinh doanh, thường xuyên mắc lỗi về quản trị dòng tiền trong khi vào những lúc khủng hoảng, dòng tiền là quan trọng nhất. “Có một nguyên tắc bất biến: tiền mặt là vua, hàng hoá và tài sản bị giảm ý nghĩa và giá trị khi khủng hoảng ập đến”, ông Bình nhận định.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán HSC, doanh thu và lợi nhuận ròng năm nay của VHC nhiều khả năng đạt lần lượt 8.143 tỷ đồng và 939 tỷ đồng. Tuy doanh thu đi ngang nhưng lợi nhuận sẽ giảm mạnh 20,4%. Nhưng dù sao, giữa bối cảnh khủng hoảng, đây cũng là một trong những mã cổ phiếu tốt nhờ lợi thế là người dẫn đầu thị trường cá tra, đi kèm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức khá thấp (chỉ 28%). Công ty cũng đang tích cực triển khai xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá chuẩn thực phẩm mới, kỳ vọng giúp tăng khả năng sinh lời. Với công suất mỗi ngày 100 tấn nguyên liệu và công nghệ sản xuất do công ty tự phát triển, các sản phẩm sẽ đạt tiêu chuẩn thực phẩm và được phân phối B2B đến các nhà chế biến thực phẩm, dự kiến việc xây dựng sẽ hoàn thành trước cuối năm 2020 và sản xuất từ năm 2021.