Cá tra nỗ lực “vượt ải”
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp trên thế giới, thì một số quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, Trung Quốc là những thị trường lớn và trọng điểm xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có dấu hiệu sụt giảm sức mua, tác động rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam.
Hiện tại, diện tích nuôi mới cá tra trên cả nước là 777ha, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch là 602ha, giảm 20,8% so với cùng kỳ; sản lượng đạt gần 180 ngàn tấn, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019; giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp khoảng 18 nghìn đồng/kg.
Ảnh minh họa |
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, năm 2019, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản lượng cá nuôi tăng nhanh từ năm 2018 dẫn đến dư nguồn cung khiến cá tra nguyên liệu đã giảm mạnh từ cuối tháng 3/2019, giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường, trong khi giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng, thị trường bị biến động do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Tuy nhiên, có điều đáng mừng là mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm cá tra và cá da trơn bộ Siluriformes của Việt Nam là tương đương với Hoa Kỳ. Điều này đã giúp cá tra Việt Nam khẳng định uy tín, khẳng định hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đáp ứng được tiêu chuẩn ở một thị trường khó tính bậc nhất thế giới; giúp việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu toàn câu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đó là do kim ngạch tại các thị trường nhập khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam như sang Trung Quốc giảm 48%, EU giảm 47,3%, Mỹ giảm 19,8%. Sự sụt giảm quá nhanh khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, đã tác động ngay tới chuỗi ngành hàng cá tra từ hộ nuôi đến các cơ sở chế biến trong nước.
Điều này kéo theo các ngành phụ trợ như thuốc thủy sản, thức ăn chăn nuôi thủy sản... đều bị ảnh hưởng. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng ngành hàng cá tra hiện chưa thể đạt được mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, hạn mặn tại một số tỉnh vùng ĐBSCL như Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng tác động không nhỏ đến ngành hàng cá tra xuất khẩu, đẩy các địa phương vào thiệt hại "kép".
Thực tế thị trường cho thấy, mặc dù giá cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL chỉ ở mức 18,5-19 nghìn đồng/kg, song các doanh nghiệp cũng chỉ ưu tiên thu mua cá trong chuỗi liên kết. Tuy thế, theo dự báo, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 chỉ mang tính nhất thời và các hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh sau khi dịch được kiểm soát.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ, giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 kéo dài đến nay, khiến người nuôi lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; nhiều hộ nuôi thua lỗ và không còn khả năng cầm cự. Điều đáng quan ngại không kém là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên việc xuất khẩu chưa thể đẩy nhanh. Trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến đang tồn lượng lớn cá tra mà chưa thể xuất đi được.
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhìn nhận, về lâu dài cần có chiến lược phát triển bền vững, bởi hàng chục năm qua, giá cá luôn biến động thất thường, không ổn định. Có lúc giá cá tăng quá cao thì doanh nghiệp khó thu mua, còn khi giá xuống quá thấp lại khiến người nuôi lỗ. Cần một giải pháp căn cơ tạo sự ổn định bền vững trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Các ngành chức năng cần có chiến lược dự báo thị trường trong ngắn hạn và dài hạn hợp lý; quy hoạch và quản lý chặt vùng nuôi về diện tích, sản lượng; đầu tư con giống để nâng chất lượng cá tra thương phẩm.
Từng có vị thế rất cao trên thị trường thế giới và cũng là ngành đóng góp rất lớn vào xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, để không mất đi những lợi thế riêng này, cần phải định vị lại cả ngành cá tra ngay từ các khâu đầu tiên. Khó nhưng phải làm, bởi đã tham gia thị trường thế giới thì nhất thiết phải tuân thủ theo “luật chơi” chung, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương, các hiệp hội và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cá tra vào các thị trường tiềm năng như Nga, Brazil… Song song với đó, bộ tiếp tục kết nối với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước, giảm sự lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu. Riêng hiệp hội cùng các địa phương cần tập trung tháo gỡ, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường mà dịch Covid-19 bước đầu đã được khống chế như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN…
Để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, thì các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không nên mở rộng thêm diện tích nuôi cá tra. Đối với cá giống, phải thực hiện bằng được giống cá tra ba cấp, trong đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong phát triển con giống.