Thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa cá tra
Cá tra nỗ lực “vượt ải” | |
Xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh | |
Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD |
Xuất khẩu gặp khó
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau hơn 20 năm phát triển, cá tra Việt Nam tự hào trở thành ngành kinh tế "tỷ đô", xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. Với diện tích khoảng 6.000ha nuôi trồng, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, nhưng mỗi năm mang về cho đất nước từ 2,3 - 2,5 tỷ USD. Đặc biệt, kể từ ngày 01/11/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận chính thức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam, đồng nghĩa với việc khẳng định uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam trước các thị trường khó tính, giúp việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu dễ dàng.
Đưa sản phẩm cá tra đến gần hơn với người tiêu dùng miền Bắc |
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, tuy nhiên trong thời gian mới đây, dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có mặt hàng cá tra bị đình trệ. Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Chính sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn mặt hàng cá tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được; nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, gián đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam với tên tuổi, thương hiệu đã được dày công xây dựng.
Thống kê từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 chỉ mang tính nhất thời. Từ quý III/2020 ngành hàng cá tra sẽ có thể hồi phục hoàn toàn, nhất là thị trường Trung Quốc rộng lớn. Và để khắc phục những khó khăn trước mắt, cần tập trung vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước vừa đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó chú trọng củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới; nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao...
Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng, siêu thị, hệ thống phân phối trong cả nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra thông qua phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu. |
Thị trường nội địa là quan trọng
Muốn mở rộng sản xuất và giữ ổn định giá cả cho cá tra thì bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung phát triển thị trường trong nước là yếu tố quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Khai mở thị trường trong nước sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa giảm áp lực cho xuất khẩu, từ đó có thể tăng giá xuất khẩu, vừa khai thác tốt một nguồn cầu lớn gần 100 triệu dân, góp phần mở rộng sản lượng sản xuất. Ngoài ra, phải tạo ra một thị trường sản phẩm đa dạng để người dân có nhiều lựa chọn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
Trên thực tế, hoạt động quảng bá, tiêu thụ cá tra tại thị trường miền Bắc đã được tổ chức thành hội chợ, phiên chợ thường niên kể từ năm 2017. Tuy nhiên, vì sao người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa mặn mà với cá tra? Các chuyên gia cho rằng, cùng với hoạt động xúc tiến, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cũng cần nghiên cứu sâu hơn thị hiếu, ẩm thực của người miền Bắc. Bởi không chỉ cần tuân thủ tốt theo quy chuẩn tiêu chuẩn, thì còn cần nghiên cứu để có thể cung cấp được sản phẩm thịt cá tra có độ dai, độ săn chắc phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng phía Bắc. Việc kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và kênh phân phối mới chỉ là những bước đi đầu tiên, sau đó còn cần phải thuyết phục được người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng và hợp “gu” tiêu dùng của khách hàng.
Để việc kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra được hiệu quả, chúng ta đã tiến hành các chương trình khuyến khích công chức, công nhân lao động ngành nông nghiệp tiêu dùng cá tra. Cùng với đó là cam kết đồng hành đưa cá tra vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị như Công ty IDI và Big C (Central Group); Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt; Công ty Xuyên Việt và Big C; Công ty Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh... Hoặc như hoạt động “Tuần hàng cá tra và các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020” được tổ chức mới đây…
Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để cơ cấu lại thị trường trong nước và xuất khẩu với các sản phẩm cá tra nói riêng, các sản phẩm thủy sản nói chung. Với người tiêu dùng miền Bắc, cũng là cơ hội tuyệt vời tiếp cận, khám phá hơn 60 sản phẩm được chế biến từ cá tra với chất lượng tốt, giá thành vừa phải, phù hợp với sở thích và thẩm mỹ của người Việt Nam.
Năm 2020, ngành hàng cá tra phấn đấu đạt sản lượng nuôi 1,42 triệu tấn; diện tích nuôi dự kiến đạt 6.600ha; giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.
Để đạt kết quả cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh này, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng, siêu thị, hệ thống phân phối trong cả nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra thông qua phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, cần theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng đủ yêu cầu nguồn hàng cho xuất khẩu nhưng cũng không để quá bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường. Đồng thời tìm kiếm thị trường mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính và xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra.