Các dự án nhà ở xã hội lên kế hoạch mở bán?
Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn luôn bức bối khi giá nhà tăng, thu nhập từ tiền lương, tiền công không theo kịp - Ảnh: Đ.Hải |
Có nhà xã hội, tín dụng sẽ “tếp bước”
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh mới đây có văn bản gửi Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố, trong đó công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội có thể mở bán trong năm 2025.
Trong tổng cộng 15 dự án nhà ở xã hội của TP. Hồ Chí Minh có thể mở bán ngay trong năm 2025, nổi bật với các dự án như sau:
Dự án nhà ở xã hội 25 tầng ở số 324 đường Lý Thường Kiệt, quận 10) chủ đầu tư là công ty cổ phần Đức Mạnh với 1.254 căn hộ, Dự án nhà ở xã hội 20 tầng ở số 4 Phan Châu Trinh, quận Bình Thạnh của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình dân dụng và công cộng với 850 căn hộ.
Công ty Lê Thành có hai dự án, chung cư Lê Thành 2 (quận Bình Tân) cao 15 tầng, với 494 căn hộ và Dự án nhà ở xã hội và cho thuê Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh) với 1.456 căn hộ. Khu dân cư phường Long Trường (Thủ Đức) của của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành với 558 căn hộ. Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) với 1.300 căn hộ.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh xác nhận với Thời báo Ngân hàng đã nhận được văn bản của Sở Xây dựng về số lượng dự án và căn hộ nhà ở xã hội, cho thuê. Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết đây là bản danh mục dự án và số lượng căn hộ nhà ở xã hội có thể hoàn tất và dự kiến bán ra thị trường trong năm nay.
Theo đó, chi nhánh ngân hàng này tới đây sẽ rà soát các dự án và nhu cầu vốn vay của người dân trên địa bàn, trên cơ sở đánh giá dự án có phân phối thực trên thị trường, từ đó có kế hoạch thu xếp vốn cho cá nhân vay thuê, mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành.
Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương hiện nay được tạo lập từ nguồn vốn của Hội sở ngân hàng này cấp và nguồn vốn ủy thác của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành Ngân hàng thành phố thực hiện chương trình tín dụng nhà ở xã hội, trong đó cho vay tạo lập nhà ở cho các gia đình chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn.
Tính đến cuối năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 97,8 tỷ đồng, cho vay 274 khách hàng tương đương với tạo điều kiện cho 274 hộ gia đình có nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
Các ngân hàng thương mại cho vay chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để tạo lập nguồn cung cho thị trường để xây nhà ở cho công nhân thuê, thông qua giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng từ cuối năm 2024 đến nay đạt 170,14 tỷ đồng.
Theo ông Lệnh, sử dụng chính sách, kết hợp phát triển tài chính vi mô và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng và đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, an cư và nâng cao chất lượng cuộc sống có ý nghĩa quan trọng trong tín dụng chính sách và tín dụng thị trường.
Cần thêm ưu đãi thuế giảm giá nhà ở xã hội
Vấn đề lớn nhất của nhà ở xã hội là thủ tục pháp lý trong xây dựng nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia. Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), trong ít nhất 5 năm trở lại đây TP. Hồ Chí Minh không có một căn hộ nhà ở xã hội nào được bán bổ sung vào thị trường, do thủ tục pháp lý làm dự án nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc.
Theo quy định hành hành, những doanh nghiệp dự án nhà ở thương mại dành ra 20% quỹ đất xây dựng để làm nhà ở xã hội, các chủ đầu tư đề nghị nhà nước cho phép đổi đất ở nơi khác hoặc thanh toán tiền.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, đơn cử ở khu vực quận 2 nay là thành phố Thủ Đức hiện nay đất đai có giá từ 80-100 triệu đồng/m2, cộng với chi phí giải phóng mặt bằng ở đó nếu xây nhà ở xã hội được tính vào giá thành người dân không chịu nổi. Ngoài ra, một loại nhà nữa là nhà ở giá bình dân nhà nước nên linh hoạt trong xây dựng, như xây dựng bên cạnh khu công nghiệp, khu chế xuất không nên bắt buộc xây dựng trong tổng dự án sẽ làm chi phí đẩy giá nhà lên cao.
Luật Nhà ở mới có nhiều điểm thay đổi tích cực, đáng chú ý người mua nhà ở xã hội được tạo điều kiện hưởng chính sách ưu đãi tín dụng dài hơn, nhiều hơn. Năm 2024, Chính phủ thông báo sẽ bảo lãnh phát hành trái phiếu một gói trị giá 100.000 tỷ đồng dành cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030.
Ông Châu cho rằng, nên có thêm những ưu đãi doanh nghiệp phát triển những dự án nhà ở xã hội phát triển trên cùng một dự án với nhà ở thương mại, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tạo lập nhà ở xã hội. HoREA tiếp tục đề nghị các bộ ngành hữu quan xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế giá trị gia tăng, theo hướng giảm thuế cho hoạt động thuê, thuê mua nhà ở xã hội để giảm giá nhà ở xã hội xuống thấp.
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 hoàn thành 96.000 căn nhà ở xã hội cho thuê, mua và tái lập nhà ở ven kênh rạch, nhà ở cho người lao động. Tại hội nghị thu hút đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội vào TP. Hồ Chí Minh gần đây, nhà đầu tư phản ánh với lãnh đạo thành phố: Thủ tục nếu xuôn sẻ một dự án bước một chuẩn bị mất gần 6 tháng, bước hai quy trình lựa chọn nhà đầu tư mất 1 năm một tháng. Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, yêu cầu các sở, ngành thành phố tìm giải pháp kéo hết mọi thủ tục này xuống còn 6 tháng và nhà đầu tư xây dựng một công trình nhà ở xã hội mất 1 năm. Về phần chính quyền thành phố cam kết, làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị đất đai, kết nối hạ tầng và các chính sách khác thông qua phối hợp giải quyết thủ tục dự án. Về phần chủ đầu tư, các dự án nhà ở xã hội mới lãnh đạo thành phố đề nghị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền, làm nhanh làm đúng quy định. Các dự án nhà ở xã hội đã triển khai, phải rà soát thực hiện và hoàn thiện và thành phố sẽ có các biện pháp cứng rắn đối với các chủ đầu tư trây ì, phong tỏa cưỡng chế, xử lý nếu rõ trách nhiệm… |