Cần giúp nông dân tiêu thụ nông sản
Giải cứu thanh long | |
Hệ thống bán lẻ BRG hỗ trợ nông dân tiêu thụ trên 200 tấn dưa hấu trước tác động của dịch bệnh nCoV | |
Đề xuất giảm chi phí lưu kho 10-20% để chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản |
Ảnh hưởng bởi nCoV
Trong thời gian gần đây, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra đang bùng phát tại Trung Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới khiến cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa đi và đến các vùng có dịch gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu theo đường bộ vào Trung Quốc.
Chính điều này đã khiến sản xuất nông sản xuất khẩu trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nông dân nhiều địa phương đang đứng ngồi không yên khi giá bắt đầu sụt giảm mạnh. Nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang vào chính vụ thu hoạch các loại nông sản như dưa hấu, thanh long, ớt xanh…
Nhiều đơn vị và cá nhân đã chung tay giúp người trồng dưa bớt khó khăn |
Tại Kon Tum hiện đang vào chính vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân trồng dưa hấu và thương lái đang khóc ròng, vì mất giá thê thảm do không thể xuất khẩu được sang Trung Quốc. Nếu cùng thời điểm này năm trước, giá dưa hấu trên 12.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ còn 1.500 - 2.500 đồng/kg.
Một hộ trồng dưa ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô (Kon Tum) cho hay, vụ này gia đình trồng hơn 5ha dưa hấu. Những ngày trước Tết Nguyên đán, khi dưa còn xuất sang Trung Quốc, gia đình mới kịp thu hoạch được gần 2ha. Diện tích còn lại với bao nhiêu hy vọng sẽ thu hồi vốn và có thêm tiền trang trải cuộc sống đã tiêu tan theo mây khói. Bởi có thương lái đặt cọc tiền rồi nhưng liên lạc mãi vẫn không đến cắt dưa. Thậm chí, chấp nhận giá bán rất thấp nhưng thương lái vẫn không đến. 3ha dưa còn lại với sản lượng khoảng 100 tấn nằm đó, vụ dưa này lỗ là chắc chắn.
Các hộ nông dân trồng dưa hấu tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cho hay, mỗi hecta trồng dưa, người nông dân đầu tư từ 80 - 90 triệu đồng và thu hoạch khoảng trên dưới 45 tấn dưa. Thế nhưng, thời tiết năm nay bất lợi, lạnh kéo dài, dẫn đến dưa không đậu quả, mất mùa; sản lượng dưa giảm nhiều so với mọi năm. Đã thế, dưa còn không tiêu thụ được, coi như vụ dưa năm nay vừa mất mùa, vừa mất giá.
Không riêng tại Kon Tum, các huyện phía đông tỉnh Gia Lai cũng là vựa dưa lớn của khu vực Tây Nguyên cũng chịu cảnh tương tự. Riêng 2 huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) đã có đến hàng ngàn hecta trồng dưa hấu của các hộ nông dân trên địa bàn.
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ
Đến xã Ia Broăi, huyện Ia Pa (Gia Lai), đâu cũng thấy dưa hấu, nhưng người mua, người thu hoạch thì không thấy. Xa xa tại các lán canh, các hộ trồng dưa đi tới đi lui ngóng trông. Một số ruộng dưa bắt đầu khô dây, héo trái dưới cái nắng 35OC, nhìn mà xót xa.
Theo Chủ tịch UBND xã Ia Broăi Bùi Văn Ngọc, vụ Đông Xuân 2019-2020, xã Ia Broăi có 72ha dưa hấu do người dân tỉnh Bình Định lên thuê đất trồng. Đến thời điểm này, hơn 50ha có khả năng mất trắng vì thương lái không mua. Có nhiều hộ bỏ mặc ruộng dưa để về quê, vì đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được. Một số hộ còn ở lại chờ các tiểu thương đến mua để vớt vát tiền đầu tư, nhưng giá chỉ 500 đồng/kg. Các cánh đồng trồng dưa xã Ia Broăi ước thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Lâu cùng với 8 hộ nông dân khác từ tỉnh Bình Định lên xã Ia Broăi, huyện Ia Pa (Gia Lai) thuê đất trồng dưa, mỗi hộ 2ha, giá thuê đất 25 triệu đồng trong vòng 3 tháng. Bao nhiêu chi phí thuê đất, nhân công, vật tư phân bón để trồng dưa, giờ xem như bỏ.
Theo thống kê của chính quyền các địa phương, vụ Đông Xuân 2019-2020, chỉ riêng huyện Ia Pa và Krông Pa trồng hơn 1.000ha dưa hấu (huyện Ia Pa 416ha, huyện Krông Pa 608ha, một số địa phương khác chưa được thống kê). Hầu hết diện tích dưa của nông dân ở các tỉnh Phú Yên và Bình Định đến Gia Lai thuê đất để trồng.
Để góp phần “giải cứu” dưa hấu cho nông dân, nhiều siêu thị, cá nhân trên địa bàn Gia Lai đã tổ chức thu mua và bán không lợi nhuận. Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, đại diện siêu thị Co.op Mart Pleiku cho hay, thông tin tình hình tiêu thụ dưa hấu của bà con trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, siêu thị đã trực tiếp đến khảo sát một số vùng trồng dưa tại thị xã Ayun Pa và thu mua với giá 3.900 đồng/kg. Trong ngày 5/2/2020, siêu thị đã nhập về 5 tấn dưa và bán ngay hôm sau với giá bằng mức thu mua tại ruộng. Sau đó, đơn vị tiếp tục nhập về 2 đợt, nâng tổng lượng dưa hấu thu mua hỗ trợ nông dân lên 15 tấn...
Trước tình hình khó khăn của người nông dân, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cũng đang vào cuộc kết nối với các đơn vị bán lẻ lớn trên địa bàn như Co.op Mart, VinMart để đồng hành hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân. Đơn vị này cũng làm việc với một số cơ sở thu mua lớn ở huyện Krông Pa, Ia Pa để kết nối với các đầu mối cung cấp hàng cho các địa phương khác. Theo đó, một lượng lớn dưa hấu đã được tiêu thụ...
Trong thời gian tới, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản.