Cần kết nối giữa hợp tác xã với nhà phân phối
Đánh thức tiềm năng của hợp tác xã Tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho HTX |
Mang lại hiệu quả khả quan
Cho đến nay, quy mô, vốn và lĩnh vực hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng lên đáng kể. Một số HTX cơ bản đào tạo được đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX… Qua đó, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Huyện Lắk - địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển vùng lúa gạo, là nơi có diện tích trồng lúa nước lớn của tỉnh Đắk Lắk, với tổng diện tích gieo trồng hàng năm vào khoảng 13.400ha. Thời gian qua, nhiều nông dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk trong tương lai không xa…
Những năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất ở huyện Lăk đã triển khai sản xuất lúa hữu cơ. Đến nay, HTX chính thức đưa ra thị trường thương hiệu Gạo sạch Đồng Nhất và được Công ty cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFE CONTROL) cấp chứng nhận VietGAP. Đây là loại gạo được sản xuất từ giống lúa OM 5451, với các đặc điểm hạt dài, trắng trong; hàm lượng amylose khoảng 15%; khi nấu cho cơm ngon, thơm… nên chinh phục được người tiêu dùng ở nhiều nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Các ngành, địa phương cần có sự phối hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ HTX phát triển ổn định |
Theo ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX Đồng Nhất, nhu cầu của thị trường về các loại gạo hữu cơ, gạo tím thảo dược khá cao, HTX không đủ nguồn hàng để cung cấp. Vậy nên, HTX tiếp tục vận động người dân, thành viên phát triển thêm diện tích để đáp ứng.
Hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường được các HTX tại Đắk Lắk chú trọng và mang lại hiệu quả tích cực. Ví như, với định hướng, xác định phương thức canh tác sạch là hướng đi bền vững, các thành viên HTX nông nghiệp Thành Tín, xã Đắk Nuê, huyện Lăk cam kết sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX có hơn 50 thành viên, với tổng diện tích trồng lúa 50ha. Trong đó, có khoảng 12ha đất được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ với các giống như Đài thơm 8, ST 24, ST 25, Tròn Nhật...
Theo ông Trần Văn Mười, Giám đốc HTX Thành Tín, trong quá trình sản xuất, do không dùng phân hóa học, tận dụng các loại phân chuồng có sẵn, phân bón công nghệ sinh học nên giúp cải tạo đất tốt; cây sinh trưởng mạnh; cứng cáp trong thời kỳ trổ bông, không bị đổ ngã, ít sâu bệnh; tình trạng ô nhiễm môi trường cũng giảm đi rõ rệt...
Để có những kết quả khả quan, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, mô hình sản xuất lúa như cánh đồng lớn quy mô 200ha ở xã Buôn Tría và Buôn Triết do HTX Nông nghiệp Thái Hải thực hiện; sản xuất gạo sử dụng phân bón hữu cơ do HTX Nông nghiệp Thành Tín thực hiện; hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học, cung cấp giống lúa chất lượng cao và mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách ủ phân vi sinh cho nông dân; vận động người dân thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống sang trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Cần có sự liên kết
Điều đáng ghi nhận, hoạt động của các HTX ngày càng thực chất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nhiều HTX tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Đắk Lắk, với các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương; nhiều sản phẩm của các HTX được xếp hạng 3 - 4 sao...
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX đã chú trọng đến sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và liên kết với nông hộ, doanh nghiệp để cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định.
Song theo các chuyên gia, mô hình kinh tế tập thể này vẫn còn những hạn chế như tổ chức hoạt động một số HTX còn lúng túng, phần lớn các HTX chưa có phương án sản xuất kinh doanh bài bản; tính liên kết còn lỏng lẻo, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Do đó, cần đẩy mạnh việc kết nối giao thương giữa các HTX với doanh nghiệp, nhà phân phối, tiêu thụ để giúp HTX tiếp cận những cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm hàng hóa, tiếp cận trực tiếp các nhà phân phối trên thị trường, thu hút nguồn lực hỗ trợ sự phát triển kinh tế tập thể tại địa phương...
Trước thực tế này, Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk tích cực xây dựng mô hình HTX kiểu mới, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị phát triển sản phẩm bền vững; phát triển HTX, liên hiệp HTX trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hỗ trợ các HTX về chuyển đổi số và thương mại điện tử năm 2023; kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa sản xuất theo chuỗi cung ứng.
Theo Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, chú trọng tư vấn, hỗ trợ để thành lập, củng cố các HTX nông nghiệp ở những xã chưa đạt tiêu chí số 13 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp HTX phát triển ổn định.
Đồng thời, lựa chọn, hỗ trợ và hướng dẫn các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của các HTX đi tham dự hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk sẽ khai trương, vận hành cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác tại TP. Buôn Ma Thuột; phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập và vận hành cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho các HTX, tổ hợp tác tại các địa phương.