Cần làm tốt công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Dịch có diễn biến phức tạp
Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao, do tỷ lệ được tiêm phòng thấp. Trong khi đó, các loại mầm bệnh lưu hành ở phạm vi rộng và tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 321 xã (36 tỉnh, thành phố), buộc tiêu hủy 19.628 con lợn.
Cần đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc để giảm thiểu thiệt hại |
Tại khu vực Tây Nguyên, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi cũng đã tái bùng phát tại một số địa phương, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan trên diện rộng. Trước thực tế này, các ngành chức năng, người dân các địa phương đang tập trung kiểm soát loại dịch bệnh này, bảo đảm chăn nuôi an toàn.
Những tháng đầu năm 2022, tại tỉnh Đăk Nông, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại một số địa phương.
Theo UBND huyện Đăk Mil, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh tái diễn tại một số xã, lãnh đạo địa phương chỉ đạo các ngành cùng với chính quyền các xã nhanh chóng tiến hành các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh. Trong đó, các lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy vật nuôi bị chết đúng quy định. Chính quyền cấp cơ sở triển khai ngay lực lượng ứng phó với dịch bệnh động vật, lập các chốt kiểm soát dịch, kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, tiêu độc khử trùng... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện rải rác tại một số xã. Ngoài 2 xã Đức Minh và Đăk Sắk của huyện Đăk Mil, tại các xã Nam Đà, Nâm Nung của huyện Krông Nô cũng xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Diễn biến dịch bệnh khá phức tạp, có nguy cơ lay lan rất cao.
Chủ động công tác phòng ngừa
Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông đang nỗ lực triển khai Tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường. Theo đó, từ ngày 15/3-15/4/2022, các địa phương đồng loạt thực hiện các hoạt động tiêu diệt các mầm bệnh tại các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao. Đồng thời, tập trung diệt mầm bệnh ở các chợ buôn bán động vật, đường mòn lối mở, cửa khẩu, khu chăn nuôi tập trung... Các trạm kiểm dịch động vật nội địa, trạm kiểm dịch động - thực vật tại các cửa khẩu được tăng cường lực lượng làm công tác giám sát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật vào địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.
Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển động vật và khuyến cáo người dân, khi xuất hiện dịch bệnh phải báo ngay với cơ quan chức năng, không mua bán, vận chuyển, không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho lợn ăn, không vứt lợn chết ra ngoài môi trường. Khi xuất hiện lợn ốm hay chết bất thường, bà con cần báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) cũng liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Mô Rai và xã Sa Bình.
UBND tỉnh Kon Tum cũng kịp thời ban hành văn bản yêu cầu chính quyền và cơ quan chuyên môn huyện Sa Thầy tập trung lực lượng, nguồn lực để khoanh vùng, ngăn chặn không để lây lan dịch bệnh ra các địa bàn khác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cử tổ công tác của đơn vị đến địa bàn các huyện, thành phố để phối hợp rà soát, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 tại địa phương. Khẩn trương triển khai các giải pháp để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.