Cần quyết liệt hơn để đạt các mục tiêu kế hoạch 5 năm
Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay |
Ngành tài chính có nhiều nỗ lực
Thể hiện sự đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng như thẩm định khách quan, khoa học của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, vị đại biểu đánh giá ngành tài chính trong 3 năm qua đã có nhiều nỗ lực.
Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, chúng ta miễn giảm thuế, phí trong 3 năm qua là hơn 60.000 tỷ đồng và gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là trên 110.000 tỷ đồng. Nhưng nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, của ngành tài chính để chống thất thu thuế ở một số lĩnh vực cũng như thu thuế thêm một số lĩnh vực mà trước đây chưa quan tâm trên lĩnh vực thương mại điện tử,… nên thu ngân sách của chúng ta trong 3 năm qua mặc dù bối cảnh khó khăn như vậy nhưng vẫn vượt dự toán.
Cụ thể: Năm 2021 vượt dự toán 16,8%; năm 2022 là 27,8% và 2023 tiếp tục có khả năng vượt dự toán. Trong 3 năm thu ngân sách của nước ta thu được trên 5 triệu tỷ đồng, tức là đạt tới 61% kế hoạch tài chính 5 năm. Với TP. Hồ Chí Minh vốn có nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19 nhưng trong 3 năm qua vẫn nỗ lực thu được 1 triệu 312 ngàn tỷ đồng, đóng góp 26% vào tổng thu ngân sách cả nước.
“Với nỗ lực của ngành tài chính như vậy nên nợ công hiện nay chỉ 38% GDP, thấp so với trần quy định 60% GDP. Điều này giúp chúng ta có một dư địa để nới lỏng chính sách tài khóa trong thời gian tới”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.
Kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 6,5% - 7%; thu nhập bình quân đầu người đến 2025 phần đấu đạt 5.000 USD (vượt qua mức thu nhập trung bình thấp)... Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, các mục tiêu như vậy nếu không có những chính sách mới quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn sẽ khó đạt được.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Về giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn và đối tượng mở rộng hơn. Cụ thể như việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Rà soát Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng
Cùng với đó, theo một số đại biểu Quốc hội, cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng. Trong đó, kế hoạch chi 14.000 tỷ đồng cho ngành y tế hiện nay chưa chi, đại biểu đề nghị tiếp tục triển khai cho lĩnh vực y tế, trong đó nên dành cho thực hiện các dự án hình thành các trung tâm xạ trị proton.
Về gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại. “Hiện nay chỉ mới giải ngân được khoảng 1.000 tỷ, còn 39.000 tỷ tôi đề xuất nên bổ sung vào Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của của ngân hàng, lúc đó giúp cho cung cầu tín dụng sẽ gặp nhau”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói với lưu ý nên tăng bảo lãnh tín dụng thay vì hạ chuẩn điều kiện cho vay.
Số tiền còn lại chưa giải ngân hết của gói chi hỗ trợ tiền thuê nhà (2.920 tỷ đồng) đại biểu này đề nghị tiếp tục chi theo danh mục Chính phủ đã đề nghị cho các bệnh viện theo Tờ trình của Chính phủ.
Đại biểu cũng đề nghị nên kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo Nghị quyết 43 và cho chuyển nguồn khoảng 13.796 tỷ với 3 dự án cao tốc quan trọng quốc gia mà Quốc hội đã cho ý kiến chủ trương đầu tư (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột).
Kiến nghị tiếp theo mà đại biểu này đưa ra là cần phải tái cấp vốn hoặc bảo lãnh trái phiếu trong nước để giúp Ngân hàng Chính sách xã hội có điều kiện mở rộng tín dụng cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người mất việc làm có thêm việc làm. “Thời gian vừa qua gói này chúng ta giải quyết rất tốt, giúp cho hàng trăm ngàn lao động, người nghèo tiếp cận được nguồn vốn này. Hiện nay sinh viên, học sinh cũng rất cần khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cho nên chúng ta nên mở rộng gói này”, đại biểu nói.
Thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu phát biểu trước đó về việc cần tiếp tục mở rộng đầu tư công để giải quyết các điểm nghẽn, đồng thời góp phần giải quyết việc làm và hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đầu tư công hiện nay vẫn còn vướng một số nội dung trong vấn đề thể chế.
“Cho nên thống nhất với đại biểu phát biểu trước, cần phải có một luật để sửa, điều chỉnh nhiều luật liên quan đến đầu tư công, hợp tác công tư”, đại biểu này đề nghị.
Ngoài ra, vị đại biểu cũng đề nghị cần thể chế hóa liên kết vùng để thực hiện các nghị quyết cho các vùng của Bộ Chính trị; cũng như cần sớm thể chế hóa Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị liên quan đến xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.