Cảnh báo “sốt đất” vùng ven
Cảnh báo sốt đất ảo ở vùng nông thôn Đà Nẵng | |
Giải mã những cơn sốt đất | |
Cơn sốt đất nền đã được kiểm soát |
Giao dịch tăng đột biến
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Đà Nẵng xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt đi làm thủ tục chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các vùng ven, ngoại ô thành phố. Trong đó, số lượng hồ sơ giao dịch đất đai tại bộ phận một cửa của huyện Hòa Vang tăng đột biến dẫn đến ùn ứ, khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc...
Những ngày gần đây, mỗi ngày có hàng trăm người dân đến bộ phận một cửa huyện Hòa Vang để làm các thủ tục liên quan đến đất đai. Mới đây, trên mạng xã hội còn xuất hiện hình ảnh cảnh chen chúc, đông nghịt người tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Hoà Vang. Ông Võ Huy Thạc - Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoà Vang cho biết, gần đây lượng giao dịch có xu hướng tăng đột biến. Trước đây, bình quân một ngày văn phòng tiếp nhận, giải quyết khoảng 120 thủ tục đất đai, nhưng gần đây có ngày tăng lên hơn 200 hồ sơ. Trong đó, phần đông là các hồ sơ sang tên chuyển nhượng đất đai.
“Cơn sốt” đất ảo dẫn đến hậu quả “tiền mất, tật mang”, gây nhiều hệ lụy |
Số lượng giao dịch tăng đột biến như vậy, nhiều người thắc mắc hiện tượng trên liệu có phải do vùng ven Đà Nẵng đang lên “cơn sốt”? Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, hiện giá đất ở các xã trong huyện Hòa Vang đã cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Nguyễn Tấn Ph. - một người hành nghề môi giới bất động sản ở địa phương chia sẻ, thời gian gần đây giá đất ở các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Châu và cả xã Điện Tiến, Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đều đã tăng giá rất cao. Ngay ở xã Hòa Tiến, hàng ngày có rất nhiều người đến hỏi mua đất. Đội ngũ môi giới cũng đổ về đây làm ăn rất nhiều. Có ngày lên đến hàng trăm người...
Theo nhiều người, nguyên nhân chính khiến giá đất ở Hòa Vang đang lên “cơn sốt” như thời gian qua, là do các thông tin như quy hoạch huyện Hòa Vang sẽ thành thị xã; hay thông tin về xây dựng cảng trung tâm logistics tại xã Hòa Nhơn, thí điểm các mô hình du lịch đã thúc đẩy người đầu cơ tìm mua đất thổ cư tại đây. Bên cạnh đó, đất ở vùng trung tâm thành phố hầu như không còn nên các nhà đầu tư bắt đầu đổ vào vùng ven. Hiện, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến đất tại Hòa Vang nên việc mua, bán diễn ra rất nhanh chóng.
Ngoài các khu vực trên địa bàn huyện Hòa Vang, từ đầu năm 2022 đến nay còn có nhiều nhà đầu tư thu mua các lô đất ở các khu vực vùng ven Đà Nẵng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở khu vực tây bắc (quận Liên Chiểu), đầu tuyến Sơn Trà (phường Thọ Quang), khu vực Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), Nam Hòa Xuân (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), Khu đô thị FPT, khu vực ven biển Đông Hải và Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Thọ (phường Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ)...
Cảnh báo sập bẫy của “cò”
Trước tình trạng giao dịch mua bán bất động sản tăng đột biến, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã phải có công văn gửi các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố để cảnh báo tình trạng “sốt” đất ảo để trục lợi ở vùng nông thôn trên địa bàn thành phố.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, thời gian qua trên địa bàn thành phố xuất hiện các nhóm người có chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày trước nhằm đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi từ việc mua bán đất đai. Nhưng thực tế, nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều.
Những nhóm người nói trên đã trục lợi thông qua việc tự tạo “cơn sốt” đất ảo rồi rút lui, chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như họ đã mua; thậm chí nhiều người phải chấp nhận bán lỗ do dùng tiền vay để mua đất đầu cơ bán kiếm lời, dẫn đến hậu quả là “tiền mất, tật mang”, gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân. Qua khảo sát, hầu hết người thực hiện giao dịch thật sự không quá nhiều, mà hình ảnh chen chúc đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác. Việc đưa hình ảnh lên mạng xã hội nhằm phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch, mua bán tạo nên làn sóng gây “sốt đất” ảo, làm giá mua đi bán lại giữa những nhóm người này với nhau, với chiêu trò “giá ngày hôm sau tăng hơn hôm trước”, mục đích cuối cùng là đẩy giá đất lên cao so với thực tế và trục lợi từ mua bán đất đai.
Việc đẩy giá sốt đất ảo khiến nhiều người có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng “sốt đất” nên mua vào với giá rất cao, không đúng với giá trị thực tế ở thời điểm giao dịch. Thậm chí, nhiều người dân địa phương bán đất đi với giá thấp rồi mua lại đất với giá rất cao, có trường hợp mua lại chính lô đất mình đã bán với tâm lý sẽ kiếm tiền chênh lệch. Tuy nhiên, sau khi nhóm người tạo sốt đất ảo trục lợi thành công và rút lui khỏi địa bàn thì giá đất trở về giá trị thực của nó, theo nhu cầu thực tế, hậu quả là nhóm mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không ai mua!
Mới đây, UBND Đà Nẵng cũng đã giao Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn quán triệt các công chứng viên, nhân viên tại tổ chức mình thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch. Hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê đúng giá thực tế chuyển nhượng, mua bán, cho thuê bất động sả..n để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Trong đó, tuyệt đối không hướng dẫn, tạo điều kiện để các bên tham gia giao dịch thực hiện các hành vi trốn thuế như “ký gửi, ký chờ”, khai giá chuyển nhượng, mua bán, cho thuê bất động sản thấp hơn giá thực tế giao dịch, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, mua bán để công chứng hợp đồng chuyển nhượng, mua bán khác nhằm mục đích trốn thuế...