Chỉ còn khoảng 30% môi giới bất động sản đang hoạt động
Nghề môi giới bất động sản: Hướng tới tính chuyên nghiệp Môi giới bất động sản làm gì để vượt bão? Khởi động Ngày Hội Môi giới bất động sản Việt Nam 2023 |
Số lượng môi giới bất động sản có chứng chỉ mới dừng lại ở mức khá khiêm tốn. |
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố kết quả khảo sát các sàn giao dịch bất động sản, cho thấy hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý I/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu quý I/2023 sụt giảm tới 20-50% và 61% tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí, một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70-80%. Nguyên nhân do thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, sức mua chưa được cải thiện...
Doanh thu sụt giảm kéo theo việc giảm quy mô lao động. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết hiện có trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
Một số doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu; hoặc dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương (cộng tác viên), cắt giảm lương tùy cấp bậc... do không còn nguồn lực cầm cự.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới tiếp tục sa thải thêm 10-20% nhân sự so với cuối năm 2022.
Ông Đính cho biết có tới hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản tham gia khảo sát cho biết họ buộc phải cắt giảm lương nhân sự từ 10-20%.
Hơn 44% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải thực hiện biện pháp cắt giảm quy mô nhân sự để không phải cắt giảm lương.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động trong III/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
Ghi nhận cá biệt một số ít doanh nghiệp chuyển mô hình kinh doanh sang mảng cho thuê đã mang lại mức doanh thu tốt, thậm chí tăng 200% so với quý I/2022 và 150% so với cuối năm 2022.
Theo ông Đính, hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại khắp các địa phương trên cả nước.
Theo khảo sát của VARS, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài với từng đợt giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Thị trường ghi nhận 1 lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống) và bị động (do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản…). Số môi giới bất động sản bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm", ông Đính cho hay.
Chị Ngọc Trâm - nhân viên môi giới của một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội - cho biết giao dịch bất động sản ít dẫn tới công ty không có doanh thu, người lao động bị giảm lương và cho nghỉ nhiều. Nhiều nhân viên tại công ty của chị đã xin nghỉ việc, có người tim công việc khác để làm.
Chị Trâm là một trong số ít các nhân viên vẫn còn bám trụ với công ty, bên cạnh công việc hiện tại, chị Trâm phải làm thêm việc phụ để duy trì thu nhập, trang trải cuộc sống.
Hơn 95% người tham gia khảo sát cho biết thu nhập hiện nay đã giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% môi giới bất động sản tham gia khảo sát cho biết thu nhập của họ giảm từ 20-30% so với cùng kỳ, hơn 54% tụt giảm từ 30-40%, cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.
Lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn. 100% trong số đó mong muốn thời gian này được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để nắm vững chuyên môn, đồng thời có thêm các kỹ năng ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy phần lớn các môi giới bất động sản chuyên nghiệp, có ý thức gắn bó với nghề đều xác định cần thi chứng chỉ môi giới. Tuy nhiên, do một số lý do như địa phương chưa tổ chức thi sát hạch, đã tham gia thi nhưng chưa đạt… nên số lượng môi giới có chứng chỉ mới dừng lại ở mức khá khiêm tốn, chiếm khoảng 35% số lượng môi giới tham gia khảo sát.
Trong bối cảnh đang thiếu cung, ông Đính cho rằng các sàn giao dịch cần tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh, kỹ thuật duy trì hệ thống điều hành trong điều kiện cắt giảm chi phí, kỹ năng giữ các mối quan hệ với các chủ đầu tư, nguồn hàng.
Các sàn giao dịch bất động sản cần phát triển nguồn hàng mới, phân khúc hàng hóa mới, đồng thời duy trì khách hàng cũ và phát triển tệp khách hàng mới, hỗ trợ khách hàng xử lý khủng hoảng và kích thích nhu cầu mới.