Chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng giảm
Chứng khoán chiều 28/2: Dòng tiền thận trọng | |
Chứng khoán sáng 28/2: VCB, MSN, VRE giữ nhịp thị trường |
Bật nảy sau chuỗi phiên giảm điểm mạnh, ngày 28/2, chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc xanh ở hầu hết tất cả các nhóm ngành, đưa chỉ số chung tiệm cận lại khu vực 1.030 điểm. Trong đó, mức hồi phục tốt nhất được ghi nhận ở nhóm chứng khoán và dầu khí với hơn 1%. Tuy nhiên, thanh khoản gần như "mất hút" cả phiên sáng và áp lực bán cũng dần quay trở lại cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thể thoát được tâm lý bi quan trong ngắn hạn.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, lực cầu cũng quay trở lại với nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, VRE, VCB giúp tác động tích cực, cải thiện chỉ số chung.
Áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều kéo VN-Index về sát mốc tham chiếu. Tính đến 14h, tổng thanh khoản bán chủ động đã tăng lên xấp xỉ 800 tỷ đồng.
Thêm vào đó, khối ngoại tỏ ra khá thờ ơ khi bán ròng với thanh khoản nhỏ 5 tỷ đồng, tập trung bán HPG, DXG, E1VFVN30.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,43 điểm, tương ứng với 0,34%, lên 1.024,68 điểm. Giao dịch kém tích cực hơn VN-Index, HNX-Index đóng cửa tại 202,38 điểm, giảm 0,89 điểm.
Về góc nhìn kỹ thuât, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, chỉ số VN-Index kết phiên tạo mẫu hình nến tương tự Spinning top cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư sau nhịp giảm điểm mạnh. Xét về khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đồng loạt hướng xuống và chưa cho tín hiệu tích cực trở lại. Ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã có những tín hiệu tạo đáy đầu tiên. Tuy nhiên, lượng cung hàng ở vùng điểm 1.030 vẫn đang khá lớn và đây cũng là khu vực giao cắt với chỉ báo MA20.
“Với diễn biến hiện tại, VN-Index trong ngắn hạn có thể bật nảy lên quanh vùng điểm 1.030 - 1.040 điểm nhưng rủi ro áp lực bán bất ngờ xuất hiện trở lại và vẫn tiềm ẩn rất lớn”, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu phân tích VCBS cho hay.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, ngưỡng 1.030 điểm giờ lại trở thành ngưỡng kháng cự mà VN-Index không thể vượt qua trong ngày 28/2. Chỉ số kết phiên tại mốc 1.024,68 điểm, tăng nhẹ hơn 3 điểm so với phiên trước. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/19 ngành tăng điểm, trong đó ngành thực phẩm và đồ uống, hàng cá nhân & gia dụng tăng tốt nhất. Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ dẫn đầu đà giảm.
“Đà giảm đã có dấu hiệu chững lại trong phiên giao dịch ngày 28/2. Trong những phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể tìm được điểm cân bằng trong vùng 1.020-1.030 điểm”, BSC kỳ vọng.
Về kỹ thuật, chuyên gia phân tích chứng khoán Đinh Thái Huyền Trang cho biết, VN-Index dù tăng điểm nhẹ nhưng giá đóng cửa vẫn thấp hơn giá mở cửa, tạo cây nến đỏ dạng Doji với bóng trên phản ứng với Gap hình thành phiên hôm trước. Khối lượng sụt giảm và tâm lý thể hiện sự do dự của cây nến Doji cho thấy bên mua không chắc chắn về sự hồi phục, trong khi bên bán có sự quyết đoán hơn thể hiện qua lực bán khi điểm số quay về lấp Gap.
“Dự báo VN-Index tiếp tục nằm trong đà giảm”, bà Trang nhận định.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cũng ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 28/2/2023 tương ứng với diễn biến giá giảm mạnh. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì diễn biến suy yếu với áp lực điều chỉnh duy trì trong suốt cả phiên giao dịch.
Tuy vậy, chỉ số cũng cho thấy nỗ lực hồi phục về cuối phiên khi kết phiên tăng điểm nhẹ với thanh khoản suy giảm chỉ còn bằng 55% so với trung bình 10 phiên giao dịch gần nhất, phản ánh sự thận trọng của dòng tiền trong giai đoạn này.