Chính sách tiền tệ góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Ngành Ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó | |
Ngành Ngân hàng góp phần quan trọng tạo nền tảng vĩ mô ổn định |
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Nâng cao giá trị đồng bản tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số (lạm phát bình quân không vượt quá 4%/năm), nâng cao giá trị đồng bản tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, cung - cầu ngoại tệ khá thuận lợi, NHNN tranh thủ các giai đoạn thị trường thuận lợi chủ động mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước (DTNHNN), phối hợp đồng bộ các biện pháp, công cụ CSTT, bao gồm cả chủ động truyền thông định hướng thị trường, bán ngoại tệ can thiệp một cách linh hoạt, phù hợp để ổn định thị trường ngoại tệ khi tỷ giá chịu nhiều áp lực; đồng thời, hút tiền về thông qua chào bán tín phiếu NHNN với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất phù hợp nhằm duy trì vốn khả dụng ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát; tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) để tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ.
Mặt khác, theo người đứng đầu ngành Ngân hàng, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn đối với TCTD, tạo điều kiện cho TCTD thực hiện các chương trình tín dụng hỗ trợ, cho vay các chương trình được Chính phủ phê duyệt; tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC để hỗ trợ nguồn vốn hoạt động của TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Nghị định số 34/2015/NĐ-CP.
Nhịp nhàng trong phối hợp điều hành chính sách
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác phối hợp trong điều hành CSTT và CSTK giữa NHNN và Bộ Tài chính đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ cấp lãnh đạo đến các cấp tham mưu; qua đó giúp ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, góp phần hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước. Trong đó, một là, NHNN đã điều hành giữ mặt bằng lãi suất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành TPCP với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn giúp làm giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước;
Hai là, NHNN chủ động trao đổi, phối hợp trong việc chuyển tiền gửi Kho bạc từ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) về NHNN và gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM, qua đó, hỗ trợ NHNN kiểm soát tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ;
Ba là, thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, thị trường TPCP, việc điều hành ngân quỹ của KBNN để tăng cường sự phối hợp giữa công tác điều hành CSTT&CSTK.
Mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục nhưng mức tăng của tổng phương tiện thanh toán (M2) và lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp: M2 các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 4 tháng đầu năm 2020 (đến ngày 22/4/2020) tăng lần lượt là 17,65%; 14,91%; 12,21% 14,22% và 1,75% so với cuối năm trước, phù hợp với định hướng đề ra.
Các giải pháp trên đã giúp kiểm soát lạm phát bình quân năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 2,66%; 3,53%; 3,54% và 2,79%, luôn duy trì thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7,8%/năm của giai đoạn 2011-2015. Lạm phát cơ bản từ năm 2016 đến nay ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 1,83%; 1,41%; 1,48% và 2,01%).
Ổn định mặt bằng lãi suất trong nhiều sức ép
Nêu ra hàng loạt những thách thức trong điều hành lãi suất như nhu cầu vốn cho nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng; tâm lý thị trường trong nước phản ứng với các biến động của thị trường thế giới; hệ thống TCTD tiếp tục quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cấp về chuẩn mực quản trị điều hành NHTM theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên, theo Thống đốc, trong bối cảnh đó, trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp để nỗ lực duy trì ổn định và giảm mặt bằng lãi suất.
Từ năm 2016 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm khoảng 1-1,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5-0,75%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kết hợp với điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn với chi phí hợp lý cho các TCTD; chỉ đạo các TCTD cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2020, NHNN đã điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh trong nhiều năm qua, cụ thể: Giảm 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; giảm 0,25-0,3%/năm trần lãi suất huy động và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay nhằm tiếp tục giảm chi phí vốn vay của khách hàng.
Cùng với các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ nền kinh tế, việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, hiện ở mức 5,5%/năm. Đến nay lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức trung bình so với mặt bằng của các nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định
Về điều hành tỷ giá, Thống đốc cho biết, NHNN đã chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT trong từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, NHNN thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
"Trong một số giai đoạn, NHNN thực hiện mua ngoại tệ từ các TCTD, bổ sung DTNHNN khi điều kiện thị trường thuận lợi. Ngược lại, trong một số giai đoạn (như cuối năm 2016, nửa cuối 2018), khi tỷ giá tăng, cầu ngoại tệ có dấu hiệu căng thẳng, NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp (bao gồm cả bán ngoại tệ kỳ hạn) để cân đối cung-cầu ngoại tệ và ổn định thị trường ngoại tệ", Thống đốc báo cáo.
Ngoài ra, NHNN đã phối hợp đồng bộ các giải pháp, công cụ khác như: điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền đồng...; đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng thị trường đối với quan điểm và biện pháp điều hành CSTT và tỷ giá, qua đó tạo sự đồng thuận của các thành viên thị trường và nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của CSTT và tỷ giá.
Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của dịch bệnh Covid-19, tâm lý trên thị trường có thời điểm bị tác động tiêu cực, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý, chủ động truyền thông, điều chỉnh giảm tỷ giá bán can thiệp và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt.
Như vậy, theo Thống đốc, với việc điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt, đặc biệt là việc công bố tỷ giá trung tâm bám sát diễn biến thị trường hàng ngày đã góp phần nâng cao vị thế đồng Việt Nam, ổn định thị trường ngoại tệ, giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, tạo nguồn cung tăng DTNHNN, chuyển hóa nguồn ngoại tệ thành nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại.