Chợ truyền thống sẵn sàng phục vụ tết
Không “ngăn sông, cấm chợ”
Những ngày gần đây, tại TP.Đà Nẵng liên tục ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Số ca mắc Covid-19 ở địa phương có ngày đã gần chạm mốc 1.000 ca mắc mới. Trong đó, có nhiều ca là tiểu thương ở các chợ Cồn, Bắc Mỹ An, Cẩm Lệ, Hưởng Phước… Trước tình hình đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số tin đồn về việc thành phố sẽ phong tỏa trong ngày 25 tết.
Chủ trương của TP. Đà Nẵng là “không ngăn sông cấm chợ” |
Tuy nhiên, trên thực tế quan điểm của thành phố là không đóng cửa cả chợ như trước đây, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Chỉ tổ chức cách ly kịp thời, khoanh vùng trong phạm vi hẹp nhất, đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt trong dịp tết cổ truyền đang cận kề. Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân cũng như hoạt động kinh doanh, thành phố chủ trương không đóng cửa chợ như trước mà chỉ đóng quầy hàng có F0 và các F có nguy cơ lây nhiễm cao. Trước tin đồn phong tỏa, lãnh đạo thành phố đã khẳng định: không có chuyện phong tỏa hay hạn chế đi lại. Đà Nẵng tuyệt đối “không ngăn sông cấm chợ”, không ngăn cản, hạn chế đi lại; đảm bảo giao thông thông suốt và tạo mọi điều kiện để người dân vui đón tết.
Theo đó, để đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa cho người dân không bị đứt gãy trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị duy trì hoạt động của các chợ, áp dụng phương án chỉ đóng quầy hàng có tiểu thương F0 và các F liên quan có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo ông Mai Phước Ba - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, thực hiện chủ trương của UBND thành phố không có chủ trương “không ngăn sông, cấm chợ. Nếu trường hợp phát sinh ca F0 tại chợ, Ban Quản lý chợ tạm thời phong tỏa ngay quầy hàng đó, những hộ ngồi lân cận nếu có kết quả âm tính thì vẫn tiếp tục hoạt động.
Trước đó, do Covid-19, chợ Non Nước (Ngũ Hành Sơn) đã phải tạm đóng cửa để thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh và ngay sau đó đã khôi phục hoạt động. Tương tự, đối với chợ Cồn (Hải Châu), cũng phải tạm đóng cửa 3 ngày vì có nhiều F0 và đã mở cửa hoạt động trở lại sau khi xét nghiệm gần 1.600 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tại một số chợ truyền thống trên địa bàn, đại dịch Covid-19 cũng khiến các chợ thưa vắng khách dù đang là mùa cao điểm hàng tết. Theo một tiểu thương tại chợ Cồn, đã bước vào mùa cao điểm hàng tết mà số ca tăng, tiểu thương chúng tôi cũng rất lo lắng. Khách đến chợ ít hẳn, dù các biện pháp chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa cho người dân không bị đứt gãy trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Sở Công thương thành phố cũng đề nghị UBND các quận, huyện thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên địa bàn về chủ trương của thành phố “không ngăn sông cấm chợ”, đảm bảo hoạt động của các siêu thị, chợ truyền thống; đảm bảo cân đối cung cầu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết.
Thích ứng an toàn linh hoạt
Quan điểm xuyên suốt của cơ quan chức năng địa phương là thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch, vận động bà con tiểu thương xét nghiệm định kỳ để khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm chợ truyền thống hoạt động thông suốt... Sở Công thương vận động tiểu thương xét nghiệm để tầm soát nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Trong trường hợp cần thiết, Sở Công thương đề nghị các quận, huyện tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động theo cấp độ “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để phục vụ người tiêu dùng.
Được biết, tại các chợ trên địa bàn thành phố hiện có một bộ phận chuyên rà soát, theo dõi các hộ kinh doanh, các thành phần hoạt động tại chợ bị F0 hoặc F1 thì yêu cầu đóng quầy tạm nghỉ đối với hộ đó. Khu vực nào bị F0 thì đóng cửa phong tỏa khu vực đó để phun thuốc khử khuẩn. Ban quản lý các chợ tăng cường tuyên truyền vận động, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các hộ kinh doanh và các thành phần khác hoạt động tại chợ không chấp hành các quy định về phòng dịch... Để đảm bảo phục vụ người dân mua sắm tại chợ được an toàn, ngoài việc yêu cầu tiểu thương, người dân đến mua bán phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các chợ trực thuộc (4 chợ loại 1 gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường) chủ động làm việc với ngành y tế quận Hải Châu và các phường nơi đặt chợ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 tại chợ để sàng lọc F0.
Song song, với chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, không ngăn cản, hạn chế đi lại. TP. Đà Nẵng cũng đảm bảo hoạt động của các siêu thị, chợ truyền thống; đảm bảo cân đối cung cầu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết; đảm bảo giao thông thông suốt và mọi điều kiện để người dân vui đón tết. Ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Sở Công thương chủ động tháo gỡ khó khăn cho các hộ sản xuất, kinh doanh; thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm trên thị trường.
Được biết, tại các chợ, trung tâm thương mại, các đại lý, nhà phân phối trên địa bàn đã dự trữ hàng hóa phục vụ tết khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong đó, thương nhân kinh doanh tại 4 chợ loại 1 thuộc Sở Công thương quản lý gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường và các chợ trên địa bàn quận, huyện đã dự trữ hàng hóa với tổng trị giá 550 tỷ đồng. Các hộ kinh doanh tại các tuyến phố lớn cũng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, với tổng trị giá hơn 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá lưu động, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết.