Cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế
Chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV | |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 5 |
Phiên họp này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trong việc xem xét sự chuẩn bị nội dung của Chính phủ đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa mà các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến một cách toàn diện để Chính phủ hoàn thiện nhằm kịp thời phục vụ trình Quốc hội xem xét quyết định trong kỳ họp bất thường dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 tới.
Trước đó, để chuẩn bị phiên họp này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ động phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững" nhằm tranh thủ ý kiến các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, cử tri và nhân dân cả nước đóng góp cho đề án.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, những thách thức hiện nay của Việt Nam là dịch bệnh còn phức tạp, nguồn cung vắc-xin chưa chắc chắn, kinh tế “đang có dấu hiệu lỡ nhịp, tụt hậu”, cải cách thế chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nợ xấu gia tăng. Do vậy, yêu cầu phải có gói hỗ trợ đặc biệt về tài khóa và tiền tệ là rất cấp thiết, nếu không chúng ta sẽ lỡ nhịp và không đạt kế hoạch 5 năm đã đề ra.
GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp |
Tại đây, đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia đã chỉ ra rằng, dư địa mở rộng chính sách tài khóa là vẫn còn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ. Đồng thời gợi ý: Chính sách tài khóa cần có quy mô khoảng 389.000 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP. Trong đó bao gồm tăng đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng trong 2 năm cho y tế, đào tạo nghề, chống dịch và đầu tư cho SCIC. Hỗ trợ lãi suất 20 - 30.000 tỷ đồng, bảo lãnh vay vốn 80.000 tỷ đồng và thực hiện một số chính sách giảm thuế, phí…
Về chính sách tiền tệ, nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục gia hạn thực hiện Thông tư 14; hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm lãi suất thêm khoảng 0,5 - 1% trong năm 2022 và duy trì trong năm 2023; cho vay tái cấp vốn các ngân hàng để cho vay nhà ở (nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cải tạo chung cũ…) với quy mô khoảng 65.000 tỷ đồng. Cùng với đó giữ nguyên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13 - 14% trong năm 2022 - 2023; luật hóa việc xử lý nợ xấu…
Ngoài ra, còn có các chính sách an sinh xã hội khác như hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại 4 vùng kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề với giá trị khoảng 12.800 tỷ đồng. Giảm tiền điện, nước, viễn thông, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… với quy mô ước khoảng 37.000 tỷ đồng.
Tổng hợp các chính sách hỗ trợ này có giá trị công bố ước khoảng 843.845 tỷ đồng, tương đương khoảng 10,38% GDP.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, đồng lòng là chúng ta cần phải có để hỗ trợ để tăng cường nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kèm theo đó là cũng có những điều e ngại là chúng ta tăng cường nguồn lực, nhưng liệu nền kinh tế có hấp thu được hay không và chúng ta phải làm thế nào để thực sự nguồn lực này phải đi vào phát triển chứ không phải để tạo ra hậu quả.
Hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu
Đánh giá về khả năng nền kinh tế hấp thụ như thế nào, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường cần nhìn trên hai khía cạnh.
Thứ nhất là tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển. Ví dụ như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có thực hiện được hay không, tốc độ tăng trưởng của tín dụng có đạt được như chúng ta kỳ vọng hay không. Xét trên hai khía cạnh này thì cho đến nay, nền kinh tế chúng ta đều hấp thụ chậm. Giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm này chưa đạt được 70%, như vậy chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm thì khả năng chúng ta sẽ không thể về đích.
Thứ hai, nguy hiểm hơn không chỉ là chuyển hóa vốn chậm mà là khi chuyển vốn vào nền kinh tế nhưng liệu nguồn vốn này có đi vào sản xuất hay không, hay lại nằm ở đâu đó?
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, điều này được biểu hiện bằng tỷ lệ chuyển vốn đầu tư so với giá trị sản xuất vật chất tạo ra. Trong nền kinh tế, nếu hiệu quả đầu tư tốt thì nếu chúng ta đầu tư một đồng, phần giá trị tạo ra phải là hơn một đồng. Còn hiện nay theo nghiên cứu, tiền vốn chúng ta đầu tư vào một đồng, giá trị nó tạo ra không được một đồng. Đầu tư 100 đồng, chỉ thu lại được 79 đồng. Số tiền còn lại thông thường thất thoát ra ngoài đầu tư và đi vào tiêu dùng, khi đó nó đẩy giá tiêu dùng tăng lên và có khả năng dẫn đến lạm phát. Hướng thứ hai nguy hại hơn là nguồn tiền đó đẩy sang các khu vực đầu cơ. Nó làm cho giá bất động sản và chứng khoán tăng lên.
Thực tế giai đoạn hiện nay, tốc độ tăng trưởng của chỉ số chứng khoán đã cho thấy điều này. Bởi lẽ thông thường, tăng trưởng của chỉ số chứng khoán là do sức khỏe nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế không tăng nhưng chứng khoán lại tăng khá nhanh. Đây là biểu hiện đồng tiền đang đổ vào đây chứng khoán, cho giá chứng khoán tăng lên chứ không phải thực chất là do lợi nhuận của doanh nghiệp tăng khiến cho giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng. Như vậy, hai điều này đều biểu hiện cho thấy rằng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chúng ta đang “có vấn đề”.
Tuy nhiên, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, không thể vì chuyện đó mà chúng ta dừng, không tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chúng ta phải vừa tăng nguồn lực đầu tư nhưng phải vừa giải quyết được hai biểu hiện này để tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Muốn làm được như vậy, theo ông có một số yêu cầu đặt ra là: làm thế nào để vốn đầu tư công phải được giải ngân nhanh và phải đi vào các công trình chúng ta mong muốn phát triển; và điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các dòng vốn này để nó đi vào đúng những khu vực chúng ta mong muốn đầu tư.
Không dùng tiền mặt để kiểm soát vốn đầu tư
Để giải quyết vấn đề này, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Chính phủ cần có giải pháp để nền kinh tế hấp thụ tốt vốn tín dụng và vốn đầu tư công.
Nếu thực hiện được việc đồng hành này, chúng ta sẽ không coi trọng các tiêu chí truyền thống trong việc đảm bảo điều kiện vay vốn mà quan trọng hơn là chúng ta xem dòng tiền đi đâu và cho vay làm việc gì.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển đổi rất mạnh sang không dùng tiền mặt. Nếu toàn bộ dòng vốn mà Chính phủ đổ vào nền kinh tế được quản lý bằng hình thức không giao dịch tiền mặt thì toàn bộ dòng tiền đi đâu chúng ta đều kiểm soát được. Và khi đó, chúng ta yên tâm là không có tình trạng tiền người vay chuyển đổi lòng vòng, lợi dụng chính sách để trục lợi như những năm trước đây.
Về giải ngân vốn đầu tư công, GS.TS, Hoàng Văn Cường cho rằng, ngoài các giải pháp truyền thống mà Chính phủ đang thúc đẩy thì trong giai đoạn đặc biệt này, chúng ta phải thực hiện những giải pháp đặc biệt.
Ông cho rằng rất cần thiết trong giai đoạn này phải đặt hàng cho tư nhân thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chứ không phải dựa vào các dự án đầu tư do các cơ quan nhà nước, các địa phương, bộ ngành trình lên theo truyền thống như vừa qua… Phải dùng chính các tập đoàn tư nhân để phát triển những công trình và chúng ta sẽ trả tiền cho họ theo phương thức đặt hàng này, như vậy sẽ vừa nhanh, vừa hiệu quả.
“Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có cơ hội để dùng vốn đầu tư vào các lĩnh vực mà bấy lâu nay chúng ta thấy bị canh tranh mạnh. Ví dụ, nếu tiền đổ vào sản xuất các sản phẩm làm cho giá cả sản phẩm tăng lên thì đây là nguy cơ đầu cơ. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở đô thị… nếu dòng tiền này đầu tư vào các chương trình phát triển các công trình xây dựng… thì đó không phải là tạo ra bong bóng mà là cơ hội để chúng ta đầu tư phát triển”, ông Cường nhấn mạnh và khuyến nghị, Chính phủ cũng có thể đặt hàng để phát triển rất nhiều ngành trụ cột khác bởi hiện nay, hầu hết các chính sách được thiết kế chủ yếu là hướng tới phục hồi kinh tế - xã hội, còn chính sách phát triển bền vững, hay chính sách tạo ra đột phá cho xã hội thì hầu như chưa thấy.
“Đây là giai đoạn Chính phủ cần dùng tiền vốn của mình đặt hàng để tạo ra các ngành sản xuất mang tính trụ cột, như phát triển nhà ở hay các ngành chúng ta đang rất cần khác như: đường sắt đô thị, ngành công nghiệp dịch vụ về hậu cần, phát triển kinh tế biển, nhất là đẩy nhanh chuyển đổi số, kinh tế số... Chúng ta phải đi đầu, phải làm chủ được vấn đề này, nếu đi sau thế giới sẽ không thể dẫn đầu trong chuyển đổi doanh nghiệp. Chương trình phục hồi này phải gắn chặt chẽ với Chương trình tái cấu trúc nền kinh tế để chúng ta phục hồi và phát triển bền vững”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.