VIFTA - “bàn đạp” cho hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào Tây Á
Hiệp định FTA Việt Nam - I-xra-en dự kiến ký kết ngay trong năm 2023 | |
Tận dụng tốt hơn FTA để hỗ trợ xuất khẩu |
Các doanh nghiệp và chuyên gia nhìn nhận việc hai nước tiếp theo sẽ sớm xúc tiến các công tác nội bộ và pháp lý cuối cùng để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định FTA Việt Nam - Israel (VIFTA) dự kiến ngay trong năm 2023, chào mừng 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước không chỉ thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực và còn là bàn đạp để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn ở khu vực này.
Đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận: "FTA Việt Nam - Israel là một trong những FTA mới nhất mà chúng ta vừa ký kết, thể hiện rõ nét chính sách hội nhập toàn diện, sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mở rộng quan hệ với tất cả các nền kinh tế; đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành khác nói chung. Mặt khác, Israel dù không phải là thị trường lớn nhưng việc đẩy nhanh đàm phán FTA thể hiện sự quyết tâm của chúng ta trong mở rộng quy mô thương mại, đầu tư với tất cả các nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế nhỏ".
Israel không phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của nước ta, nhưng ý nghĩa của việc Bộ Công Thương nỗ lực đàm phán và kết thúc đàm phán thể hiện ở tiềm năng lớn của thị trường. Lý do, Israel nằm ở khu vực Tây Á, với khu vực này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa cao, song Việt Nam vẫn đang rất nỗ lực để mở rộng thị trường, bởi hàng hóa giữa hai bên có tính chất bổ sung cho nhau.
"Việc mở rộng được hoạt động thương mại sang các thị trường mới cũng sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, thay vì tập trung quá nhiều vào những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa rất lớn của chúng ta và rất dễ rủi ro khi biến động, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Hy vọng là, sau khi FTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều đi lên", ông Phương phân tích.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kỳ vọng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel giúp họ có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan thành phố Hồ Chí Minh cho biết 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của ngành dệt may rất khó khăn. Đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh 30-40%. Các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới. Cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị. Hiện dệt may là một trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tương đối khá sang Israel. Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục hải quan, quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu 3,924 triệu USD giá trị mặt hàng dệt, may sang thị trường này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế, dù FTA Việt Nam - Isarel chỉ mới ký kết nhưng theo lộ trình như các FTA khác thì thuế quan sẽ dần giảm về 0%. Việc này sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, giúp họ có thời gian chuẩn bị và có ưu thế hơn so với các đối thủ do họ chưa có FTA với quốc gia này.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) - Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho biết, đây là điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bởi sau khi kết thúc đàm phán và Hiệp định được ký kết thì sẽ mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp hai nước và mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời, coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân...
"Với tiêu chuẩn thị trường không quá khắt khe như Mỹ, EU… việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel được ký kết sẽ là cơ hội đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung, mặt hàng gia vị của Việt Nam nói riêng thâm nhập vào thị trường Israel nói riêng và Trung Đông nói chung", bà Hằng nói.
Doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương chỉ ra thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực mở đường, mở ra cơ hội từ các FTA và Việt Nam là một trong những nước hàng đầu trong ASEAN chủ động ký kết với mục đích tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Để ký kết được 1 FTA, Chính phủ, các bộ, ngành tốn nhiều thời gian, chi phí và công sức rất nhiều, song thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để ký kết và đưa các FTA thực thi trong cuộc sống. Song câu chuyện muốn tận dụng tốt FTA không chỉ của Chính phủ, các bộ, ngành mà còn của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch VCAC phân tích thị trường nào cũng có những quy định riêng. Các doanh nghiệp cũng cần xác định chúng ta nhà bán phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà mua. Việt Nam xác định là công xưởng của thế giới, do đó, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn FDA, HACCP, ISO,… tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nàm và của các thị trường mà chúng ta hướng tới. Tránh tư tưởng nơi nào tiêu chuẩn thấp thì chúng ta bán hàng vào. Bởi lẽ, việc đáp ứng tiêu chuẩn sẽ đi liền với giá bán sản phẩm.
Bà Hằng cũng chỉ ra Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel sẽ mang lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Theo đó, cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn đáp ứng thị trường khó tính như UAE, đồng thời dành cho các doanh nghiệp chưa đạt được nhiều tiêu chuẩn, họ có thể đi vào các thị trường ngách dễ tính hơn như Bangladesh, Pakistan,… Đây là cách làm kinh tế khá tốt và là một hiệp định rất tuyệt vời nếu chúng ta có thể ký được trong năm nay.
"Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn tại thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp cần chú ý đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ tại thị trường nhập khẩu, xây dựng thương hiệu và đứng bằng thương hiệu của mình tại thị trường xuất khẩu thì mới đi bền và đi xa. Bởi nếu chúng ta “ăn xổi”, có đơn thì bán hoặc bán qua thương hiệu nước khác thì nông sản, hàng hóa của Việt Nam không có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nhập khẩu", bà Hằng cho biết.
Ông Phương phân tích vừa qua, không phải tất cả FTA đều được doanh nghiệp tận dụng tốt. Bên cạnh đó, với hầu hết FTA chúng ta ký như FTA với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thực tế, các doanh nghiệp FDI đang tận dụng lợi thế tốt hơn. Lý do là vì những doanh nghiệp này xuất phát từ các nước phát triển, có kinh nghiệm tiếp cận thị trường, có nguồn lực về tài chính, nhân lực, sở hữu sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của FTA… Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa chưa tận dụng được tốt bằng. Do đó, không chỉ với FTA Việt Nam - Israel mà với rất nhiều các FTA khác, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường; đồng thời, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật. Hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực…, song tất cả những điều đó, doanh nghiệp Việt còn rất yếu.
"Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ để nắm được nội dung của các FTA. Đồng thời, tận dụng tốt các hỗ trợ của nhà nước để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành… Doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tìm hiểu về các ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả FTA", ông Phương khuyến nghị.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng tại Tây Á. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD. |