Chủ động nguồn nguyên liệu để phục hồi xuất khẩu
Ngành gỗ tiếp tục gửi kiến nghị tới Thủ tướng | |
Để ngành gỗ duy trì chuỗi sản xuất | |
Cổ phiếu ngành gỗ có cơ hội trong đại dịch? |
Trong hơn hai thập kỷ qua, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam tăng 60 lần, từ 219 triệu USD vào năm 2000 lên trên 12,3 tỷ USD vào năm 2020, thị trường xuất khẩu vươn tới 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2021 sẽ đạt khoảng 13-14 tỷ USD. Để đạt mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới.
Để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu giá trị hàng tỷ đô la này, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 quy tròn gỗ nguyên liệu là gỗ tròn và gỗ xẻ. Khoảng trên 40-45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55-60% còn lại là gỗ ôn đới.
Ảnh minh họa |
Trong 8 tháng đầu năm 2021 lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng/2021 đạt 2,063 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Song, trong 15 ngày đầu tháng 9/2021, có dấu hiệu giảm khi giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ còn 105 triệu USD, giảm 13% so với 15 ngày đầu tháng 8/2021, theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends.
Trong đó, gỗ ôn đới được nhập chủ yếu từ Mỹ, các nước châu Âu, Canada, New Zealand và Australia. Phần lớn nguồn gỗ ôn đới được đưa vào chế biến thành các sản phẩm đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Một phần còn lại được sử dụng cho tiêu dùng nội địa. Gỗ nhiệt đới được nhập chủ yếu từ các nước châu Phi, Papua New Guinea (PNG), Campuchia, Lào và khu vực Nam Mỹ. Nguồn gỗ này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa.
Với các loại ván nhân tạo, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3, chủ yếu là ván dăm, ván sợi và gỗ dán. Lượng nhập 8 tháng đầu 2021 đạt 1,4 triệu m3, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, bắt đầu từ tháng 4/2021 đến nay lượng ván nhân tạo nhập khẩu giảm mạnh.
Trong khoảng 1 năm tới, nguồn cung gỗ ôn đới từ châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm, không chỉ do đại dịch Covid-19 mà còn do lượng cung từ các nguồn này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa tại chính các thị trường này. Điều này làm cho giá gỗ nhập khẩu từ những nguồn này vào Việt Nam tăng.
Vì vậy, để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sắp tới, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ Mỹ và các nước châu Âu bởi đây là các vùng có nhiều biến động về cung, bao gồm giá nguyên liệu. Tìm hiểu thông tin cũng nên bao gồm các nguồn cung thay thế.
Hàng năm, ngành gỗ Việt đang sử dụng gần 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó nguồn nhập khẩu gần 6 triệu m3 gỗ quy tròn và trên 1,5 triệu m3 ván các loại, còn lại là gỗ từ rừng trồng trong nước.
Khi nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới không tăng, nguồn cung gỗ nguyên liệu nội địa lớn nhưng không đủ đáp ứng các yêu cầu đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván đã trở thành nguồn cung đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành, trong khi giá nhập khẩu gỗ vẫn tăng. Điều khiến các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng lo ngại là vấn đề container, chi phí vận tải và dịch Covid-19 đã đang tác động mạnh đến chuỗi cung gỗ nhập khẩu. Thêm nữa, thời tiết, biến đổi khí hậu, sâu bệnh cũng tác động đến nguồn cung này.
Nhiều tín hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các doanh nghiệp có thể quay lại sản xuất kinh doanh, đáp ứng các đơn hàng cho mùa hàng cuối năm. Vấn đề cấp thiết hiện nay là các doanh nghiệp ngành gỗ cũng cần lên các phương án để có nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch phục hồi này. Bởi một khi chủ động về nguyên liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.