Chủ tịch danh dự KOCHAM: “Việt Nam đang có thời gian vàng để bứt phá”
![]() |
Ông Hong Sun - Chủ tịch danh dự KOCHAM - Ảnh: Minh Tuấn |
Trong bối cảnh địa chính trị đang có nhiều biến động, đặc biệt là khả năng Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cao lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của điều này tới các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam?
Ông Hong Sun: Đây thực sự là một mối lo lớn. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư và sản xuất, phần lớn trong số đó nhắm đến xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Nếu chính quyền Hoa Kỳ áp dụng mức thuế đối ứng cao (có thể lên tới hơn 40%) thì tác động tiêu cực sẽ là rất rõ ràng. Bởi doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam vốn đã chịu một số loại thuế. Nếu phải gánh thêm thuế cao từ Mỹ, họ sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chiến lược sản xuất, tạm thời dừng kế hoạch mở rộng đầu tư, trì hoãn đầu tư mới… để chờ kết quả đàm phán giữa các bên.
Vấn đề ở chỗ những thay đổi chính sách như vậy khiến nhà đầu tư không có đủ thông tin để lên kế hoạch dài hạn. Doanh nghiệp cần sự ổn định và dự đoán được tương lai. Vì vậy, chúng tôi rất mong các đại diện của Chính phủ có thể thông qua KOCHAM để chia sẻ kịp thời các thông tin liên quan đến tình hình thuế đối ứng mà Hoa Kỳ đang xem xét áp dụng đối với hàng hóa từ Việt Nam, để từ đó cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc có thể xây dựng chiến lược sản xuất và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp trong thời gian tới. Về lâu dài, tôi vẫn tin rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông từng nói rằng Việt Nam đang có “khoảng thời gian vàng” để phát triển. Vậy theo ông, Việt Nam nên ưu tiên những lĩnh vực nào và cần làm gì để đón được dòng vốn FDI chất lượng từ Hàn Quốc?
Ông Hong Sun: Đây là thời điểm thuận lợi nhất trong nhiều năm qua để Việt Nam thực hiện bước nhảy vọt về phát triển. Tình hình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt từ Trung Quốc sang các nước lân cận, đang tạo ra cơ hội hiếm có. Những lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu (Data Center)… là các ngành chiến lược mà cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam đều rất quan tâm. Đây chính là thời điểm Việt Nam cần tập trung thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, để thực sự cạnh tranh được, Chính phủ Việt Nam phải chọn lọc kỹ hơn nữa các dự án. Phải là những dự án hiệu quả, bền vững, gắn với năng lực nội địa và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi rõ ràng cho các lĩnh vực chiến lược, tránh dàn trải nguồn lực.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đầu tư vào công nghệ cao không chỉ là về vốn, mà còn là về con người, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái hỗ trợ. Điều đó đòi hỏi chính sách phải “đi trước một bước”, nhất là về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khung pháp lý minh bạch, ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.
Ông đã nhiều lần đề cập đến các rào cản về thủ tục hành chính, cơ chế bảo lãnh cho dự án điện khí (bankability) và tình trạng chậm hoàn thuế VAT. Ông nhìn nhận những khó khăn này như thế nào và đâu là giải pháp?
Ông Hong Sun: Những vấn đề này thực sự đang ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư. Trước hết là câu chuyện “bankability” - tức là khả năng bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án điện khí. Ví dụ, các tập đoàn như SK hay Hanwha, GS khi đầu tư vào các dự án điện khí có quy mô hàng tỷ USD, họ chỉ có thể góp 10-15% vốn tự có, phần còn lại phải vay ngân hàng. Nhưng để các ngân hàng quốc tế cho vay, cần có cam kết từ phía Chính phủ Việt Nam, như cam kết sẽ mua lại điện được phát lên lưới. Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này, khiến doanh nghiệp không thể lên phương án tài chính đầy đủ. Đây là điểm mà nhiều quốc gia đã làm rất bài bản, Việt Nam cần sớm theo kịp.
Thứ hai là câu chuyện hoàn thuế VAT. Đây là tiền của doanh nghiệp, chứ không phải tiền của Nhà nước. Khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, họ có quyền được hoàn thuế một cách tự động, minh bạch. Tuy nhiên, nhiều công ty bị chậm hoàn thuế hàng trăm, thậm chí với giá trị hàng nghìn tỷ đồng, khiến dòng tiền bị tắc nghẽn. Doanh nghiệp không thể quay vòng vốn để đầu tư tiếp.
Do đó trong cải cách hành chính, cần có cơ chế giám sát và trách nhiệm cụ thể với các cơ quan thực thi. Ví dụ, Cục Thuế và Hải quan nên áp dụng công nghệ để tự động hóa quy trình hoàn thuế, giống như nhiều quốc gia đã làm.
Ngoài ra, chế độ cấp visa và cấp thẻ tạm trú cũng là một trong những khó khăn của các doanh nghiệp và doanh nhân nước ngoài. Đối với những người đã đầu tư lớn hoặc đầu tư nhiều năm tại Việt Nam thì nên cấp thẻ tạm trú dài hạn như hơn 10 năm hoặc thậm chí cấp thẻ vĩnh trú như rất nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Thẻ tạm trú là điều kiện tối thiểu để mở tài khoản và làm thẻ tín dụng, cho nên việc gia hạn visa hoặc thẻ tạm trú 1 năm một lần hoặc 2 năm một lần là rất bất tiện cho doanh nhân nước ngoài, bởi trong thời gian xin lại visa hoặc thẻ tạm trú đều sẽ mất thời gian, chi phí và thủ tục hành chính.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Việt Nam đang thúc đẩy các dự án lớn như đường sắt cao tốc hay điện hạt nhân. Hàn Quốc có sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hợp tác lâu dài với Việt Nam trong các lĩnh vực này không?
Ông Hong Sun: Chắc chắn là có. Hàn Quốc có kinh nghiệm phong phú trong cả hai lĩnh vực này. Với đường sắt cao tốc, chúng tôi có tuyến Gyeongbu nối Seoul - Busan, vận hành ổn định với tốc độ hơn 300 km/h. Nếu Việt Nam triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ dự kiến 350 km/h thì đây là một bước đi cực kỳ đúng đắn.
Vấn đề là cách lựa chọn đối tác. Khi Hàn Quốc xây dựng đường sắt cao tốc, chúng tôi đã chọn TGV của Pháp thay vì Shinkansen của Nhật vì lý do quan trọng: TGV chấp nhận chuyển giao công nghệ. Nhờ vậy, Hàn Quốc đã nội địa hóa công nghệ đường sắt cao tốc.
Việt Nam cũng nên nhìn nhận điều đó. Hàn Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ và thậm chí tham gia sản xuất xe lửa tại Việt Nam nếu có thỏa thuận hợp lý. Không chỉ là chuyển giao một lần, mà còn là hợp tác dài hạn về vận hành, bảo trì, đào tạo kỹ sư.
Tương tự, với điện hạt nhân, Hàn Quốc hiện có công nghệ thế hệ mới, an toàn, sạch, ổn định và rẻ hơn so với nhiều nguồn năng lượng khác. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nhưng cũng cần một môi trường pháp lý và quy hoạch rõ ràng từ phía Việt Nam.
Hàn Quốc có sức cạnh tranh hàng đầu về giá cả và chất lượng đối với điện hạt nhân, đặc biệt là về thời gian thi công thì không có nước nào cạnh tranh được với Hàn Quốc. Cho nên, Nhóm công tác đặc biệt về điện hạt nhân của Hàn Quốc rất mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tham gia xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam.
Để có thể xây dựng được những thương hiệu tầm vóc toàn cầu, Việt Nam cần làm gì? Và để các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư lâu dài, ông có đề xuất gì trong việc tăng cường hợp tác giữa KOCHAM và Chính phủ Việt Nam?
Ông Hong Sun: Việt Nam hiện vẫn chưa có một thương hiệu nào nằm trong top đầu thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc đã có nhiều tập đoàn toàn cầu như Samsung, SK, Hyundai, LG, Lotte, Hanwha, POSCO, KT… Sự khác biệt không chỉ nằm ở công nghệ hay vốn, mà quan trọng là tầm nhìn dài hạn, chính sách nhất quán và môi trường hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.
Tôi cho rằng muốn tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam phải xây dựng được một tầng lớp trung lưu vững mạnh, không chỉ phát triển vài đại gia bất động sản hay du lịch, mà phải nâng cao thu nhập đại đa số người dân. Điều này đòi hỏi một hệ sinh thái gồm giáo dục, công nghệ, doanh nghiệp nội địa mạnh và môi trường cạnh tranh công bằng.
Về phần KOCHAM, chúng tôi mong muốn tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc. Chính phủ nên chủ động phối hợp với KOCHAM để truyền tải các thông tin chính sách, cũng như tiếp nhận phản ánh từ doanh nghiệp một cách thường xuyên, minh bạch.
Nếu doanh nghiệp cảm thấy yên tâm, họ sẽ không chỉ tiếp tục đầu tư, mà còn giới thiệu Việt Nam đến các đối tác toàn cầu. Đó mới là động lực thực sự cho tăng trưởng bền vững.Tin liên quan
Tin khác

Cùng VIB gỡ rối từng nút thắt, bật mở cơ hội cho hộ kinh doanh và SMEs

Đào tạo nhân lực ngành tài chính - ngân hàng theo hướng chuyển đổi số

Chuẩn hóa thị trường tài sản mã hóa, thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tạo tiền đề đột phá cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Cơ hội đầu tư dài hạn giữa lằn ranh bất định

Thị trường chứng khoán tích lũy chờ tín hiệu bứt phá

Trung tâm Tài chính Quốc tế là quyết định đúng đắn để tăng tốc phát triển

Thực thi chính sách thuế công bằng giữa các thành phần kinh tế

Thu thuế từ hộ kinh doanh được thực hiện công bằng, minh bạch
