Chung tay thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Lập gấp “vùng xanh” tiêu thụ nông sản chính vụ | |
Nông dân lại gặp khó trong tiêu thụ nông sản | |
Ngăn chặn sự gián đoạn lưu thông nông sản |
Theo ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương, hiện nay, tại 26 tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên cũng như một số tỉnh phía Bắc đang vào vụ thu hoạch nhiều loại nông, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi với sản lượng rất lớn. Song, việc phân phối và tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn do các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Thống kê của các Tổ công tác tiền phương cho thấy, đang có khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ quả, 4 triệu tấn các loại trái cây, 120 nghìn tấn hải sản, 80 nghìn tấn lợn hơi, 600 nghìn tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng… rất cần được tiêu thụ và hỗ trợ tiêu thụ. Trị giá hàng hóa ước tính lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Để sản phẩm nông nghiệp cho tiêu dùng và xuất khẩu, cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành |
Trong bối cảnh các địa phương có dịch siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ giảm. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động từ khâu thu hoạch, đến vận chuyển và bảo quản, nhiều nhà máy chế biến đóng cửa gây khó cho nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến. Mặt khác, công tác thu mua, giao thương trực tiếp bị hạn chế; lưu thông, vận chuyển hàng hoá trong điều kiện phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 cũng góp phần làm đội chi phí tăng cao. Một số thị trường tiêu thụ truyền thống, đối tác lâu năm dừng nhập hàng do dịch bệnh càng khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, thuỷ sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi tươi sống càng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí sản xuất đầu vào tiếp tục tăng, tài chính của hợp tác xã, người nông dân vốn đã ở mức rất eo hẹp; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, của các HTX, hộ nông dân vùng sâu vùng xa còn đang hạn chế. Trong khi có đến 80% lượng nông sản, thực phẩm của các HTX và hộ nông dân sản xuất hiện nay tiêu thụ thông qua thương lái phân phối, đồng nghĩa thương lái đảm nhận 80% logistics. Chính vì vậy, cộng hưởng bởi dịch bệnh sẽ rất lớn.
Nhất quán với quan điểm, thị trường nội địa rất quan trọng, với gần 100 triệu dân cần được ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Khi xác định thị trường nội địa là trọng tâm, từ đó định hướng sản xuất, tiêu thụ cho các địa phương. Trên cơ sở đó, từng bước tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, qua đó, nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần khuyến khích và có chính sách hỗ trợ chế biến nông sản thực phẩm để cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, tạo ra thương hiệu mạnh với nguyên liệu đầu vào trong nước, vừa phục vụ thị trường nội địa, vừa tăng cường xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối (chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh), các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi - hệ thống thiết yếu trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò phục vụ đời sống nhân dân trong lúc giãn cách, đồng thời chú trọng phát triển các kênh phân phối hiện đại như sàn thương mại điện tử…
Cùng với chú trọng tiêu thụ trên thị trường nội địa, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước với phương châm duy trì, mở rộng các thị trường truyền thống, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới có nhiều dư địa. Từng bước mở rộng thị trường quốc tế để không bị lệ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường nhất định.
Các tổ công tác tiền phương phối hợp thường xuyên chặt chẽ với các vụ, cục, đơn vị chức năng của hai bộ (Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng chính quyền các tỉnh, thành phố (qua Sở Công thương, Sở NN&PTNT) để nắm bắt nhu cầu, cập nhật tình hình trong từng trường hợp và kết nối kịp thời với các hiệp hội, ngành hàng, các tập đoàn phân phối doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ thương mại trong nước và quốc tế để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương.
Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các Vụ Thị trường ngoài nước phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, các nhà nhập khẩu, các thương nhân ở nước ngoài để tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường mới, nhất là Đông Á, Nam Á, châu Âu, Mỹ, Úc… Các thương vụ xúc tiến để nắm bắt nhu cầu thị trường sở tại, phối hợp với các đơn vị chức năng của bộ ở trong nước, hướng dẫn các địa phương, người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu… về các quy cách tiêu chuẩn, hàng hóa, mẫu mã theo thói quen, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng người tiêu dùng bản địa.
Song song với đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, sẵn sàng huy động nguồn lực thu hoạch nông sản vận chuyển, bảo đảm lưu thông thông suốt đến tận tay người dùng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, cảng cá… vừa chống dịch hiệu quả vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng; rà soát, chuẩn bị kỹ điều kiện cho mùa sản xuất tiếp theo.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị các cơ quan trung ương và địa phương tạo điều kiện cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng với các bộ, ngành để thực hiện tốt chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tăng chuỗi cung ứng cho các tổ hợp tác (THT), HTX cả nước. Ưu tiên tiêm vaccine cho các người lao động, thành viên của THT nông nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm nông sản thiết yếu, vận tải, tiêu dùng, thương mại, thương lái. Đẩy mạnh hướng dẫn phổ biến để các HTX, THT tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước…