CIEMB 2024: Hỗ trợ các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu
CIEMB 2024 là Hội thảo quốc tế lớn nhất được Trường đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên, nhằm tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân phát biểu khai mạc Hội thảo |
Thông qua hội thảo, các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành kinh tế, quản trị và kinh doanh có cơ hội trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, với truyền thống định hướng nghiên cứu mạnh mẽ và các chương trình giáo dục toàn diện, NEU ưu tiên hợp tác học thuật, xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài với các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế cũng như các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
Toàn cảnh Hội thảo |
Mỗi năm, các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế của NEU thu hút các học giả, nhà nghiên cứu và học viên nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới. Những trao đổi này tạo cơ sở cho sự hợp tác liên tục, dựa trên các giá trị học thuật vững chắc và các ứng dụng hoạch định chính sách có tác động mạnh mẽ.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hội thảo lần này sẽ cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại trong các lĩnh vực nghiên cứu trên, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu. Đồng thời gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Tại Hội thảo, đánh giá về cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, GS. Peter J. Morgan - Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết, về mặt tích cực, Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt tạo tiền đề cho thương mại phát triển. Trước mắt, Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng, từ đó làm động lực để phát triển nền kinh tế hơn. Trong khi sự cạnh tranh trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết, Việt Nam cần đầu tư mạnh tay hơn để có thể tham gia vào cuộc đua đó. GS. Peter J. Morgan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng giáo dục, đào tạo để rút ngắn khoảng cách của Việt Nam và các nước trong việc cạnh tranh những lĩnh vực mới như kinh tế số.
“Việt Nam cần cải cách cơ cấu kinh tế, phổ biến phương thức số hoá, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đưa ra những cải cách cần thiết và hợp lý. Tôi nghĩ những điều đó là rất quan trọng để cải thiện mức thu nhập trung bình”, GS. Peter J. Morgan nhận định.