Cơ hội cho ngành hồ tiêu Việt
Thống kê sơ bộ của Hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 230.000 tấn, giảm 13% về sản lượng nhưng vẫn đạt giá trị 970 triệu USD, tăng hơn 2% so với năm 2021.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA cho biết, 2022 là một năm đầy khó khăn cho ngành nông nghiệp thế giới, thế nhưng ngành gia vị nói chung và hồ tiêu Việt nói riêng đã vượt qua khó khăn để đạt kết quả tích cực. Theo thống kê sơ bộ của VPA, lũy tiến từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 911,1 triệu USD, chiếm 44,2% kim ngạch xuất khẩu của thế giới, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp hồ tiêu số 1 thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới. Việt Nam đang có chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia để đưa hồ tiêu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là phần lớn các sản phẩm từ Việt Nam đều xuất thô, tươi, nguyên hạt. Mới chỉ có khoảng 30% sản lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đã qua chế biến, trong khi đó, năng lực chế biến hồ tiêu của Việt Nam mỗi năm hiện có thể xử lý lên tới trên 140.000 tấn. Ngoài việc tham gia vào khâu chế biến sản phẩm trong nước, ngành hồ tiêu có thể làm chế biến cho những nước xuất khẩu tiêu nhưng có công nghệ chế biến chưa phát triển như Indonesia, Campuchia, Brazil…
Theo VPA, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng nhập khẩu hồ tiêu của EU đạt gần 70 ngàn tấn. Trung bình EU nhập khẩu gần 10 ngàn tấn/tháng, tổng giá trị nhập khẩu ước lên đến gần 388 triệu USD. Nói chung, đưa hàng hóa vào được EU là rất quan trọng, vì đây là một thị trường rất lớn và khó tính, hơn nữa, từ đó chúng ta có thể mở rộng ra thị trường khác. Với hơn 500 triệu người dùng, EU là khối thương mại lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP trung bình 0,9% mỗi năm. Cùng với Mỹ, châu Âu là những nhà nhập khẩu tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 sản lượng nhập khẩu toàn cầu.
Đại diện cho Công ty Vietnam Insight, bà Nguyễn Nhật Minh cho biết, dư địa phát triển của ngành hồ tiêu nói riêng và gia vị nói chung còn rất lớn, vấn đề là mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này. Bên cạnh đó, người nông dân trồng tiêu cần phải thay đổi thói quen với các phương thức canh tác cũ. Việc trồng xen canh với những loại cây trồng khác như cà phê, sầu riêng mà không kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo sát những thay đổi về danh mục chất cấm trên cây trồng và phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý như kiểm soát tạp chất, an toàn thực phẩm, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… đảm bảo phải có đầy đủ giấy tờ chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn thị trường (thường phải tuân thủ tiêu chuẩn UNECE hoặc Codex Alimentarius).
Theo các chuyên gia, tỷ lệ sản phẩm chế biến trong ngành gia vị nói chung và ngành hồ tiêu nói riêng tại Việt Nam hiện còn thấp. Nhưng với sự nỗ lực trong những năm qua, hồ tiêu đã đứng vào đội ngũ các mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD”. Trong năm 2023, ngành hồ tiêu có thể được đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên để đảm bảo giá trị ngành hàng hồ tiêu và phát triển bền vững, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất. Phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm và nông dân cần nâng cao kiến thức canh tác và cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hoặc liên kết với hợp tác xã, nông dân.
“Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka và Campuchia các quốc gia này chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA thế hệ mới) với EU. Điều này được cụ thể hóa khi thuế suất về 0% đối với một số loại gia vị Việt Nam như hồ tiêu xay hoặc nghiền, thậm chí các loại gia vị khác như ớt, vani, đinh hương… cũng được hưởng lợi từ thuế suất này”, bà Hoàng Thị Liên khẳng định.