Còn nhiều dư địa cho tài chính tiêu dùng
Dư địa cho tài chính tiêu dùng còn khá lớn | |
Tài chính tiêu dùng cơ cấu nợ cho khách hàng | |
Số hóa trong tài chính tiêu dùng tăng mạnh |
TS. Cấn Văn Lực |
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn tới?
Tôi cho rằng, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn khi mà triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 ở mức 6,5-7%. Kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng, khiến nhu cầu tín dụng, tài chính tiêu dùng gia tăng. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục triển khai 1 số gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong năm 2021.
Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, trong đó tập trung mảng tín dụng cá nhân. Cùng với định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng có động lực phát triển mạnh mẽ hơn. Nhất là quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm khách hàng, tiết giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.
Tuy nhiên, nói như vậy, thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới cũng còn có những rủi ro thách thức mà các ngân hàng, công ty tài chính phải đối mặt.
Đâu là những rủi ro thách thức cần lưu tâm, thưa ông?
Đó là quy mô tài chính tiêu dùng còn nhỏ, khó tăng nhanh trong khi chất lượng tài sản giảm trước khó khăn chung của cả nền kinh tế. Nguy cơ mất việc, giảm sút thu nhập do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai… dẫn tới các cá nhân, hộ gia đình có tâm lý tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, khiến cho nhu cầu vay tiêu dùng giảm trong ngắn hạn. Đồng thời, phân khúc chính của các công ty tài chính là các sản phẩm tín chấp và khách hàng có thu nhập hạn chế. Đây cũng là đối tượng dễ tổn thương dẫn tới năng lực trả nợ suy giảm và nguy cơ nợ xấu gia tăng...
Theo ông cần giải pháp gì để khai thác dư địa tiềm năng của mảng kinh doanh này?
Thị trường tài chính tiêu dùng còn nhiều tiềm năng nhưng mức độ cạnh tranh cũng sẽ gia tăng. Đặc biệt là sự xuất hiện mới của các công ty Fintech, cho vay ngang hàng, một số app trên nền tảng công nghệ cho vay trực tuyến mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng, linh hoạt… Những tổ chức mới này có lợi thế hơn so với ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng truyền thống.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường, về phía ngân hàng, công ty tài chính - kênh cho vay chính thống thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Nhất là rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phát triển mô hình kinh doanh mới. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp. Song song với đó cần xây dựng và thường xuyên đánh giá các kịch bản thị trường để có thể lường đón và kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động...
Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo hơn, nên đến vay ở địa chỉ uy tín, công khai minh bạch. Tránh việc cần tiền quá gấp gáp mà không tìm hiểu thông tin cần thiết dẫn đến bị lừa đảo, rơi vào bẫy nợ nần phức tạp trong tương lai.
Ở góc độ các cơ quan quản lý, theo ông cần có giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam một cách lành mạnh?
Trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho cả kinh tế số nói chung và mô hình kinh doanh mới nói riêng như Fintech, cho vay ngang hàng... để có hệ sinh thái cũng như môi trường đầu tư kinh doanh sòng phẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các định chế tài chính.
Hai là, cần phải sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như hệ thống thông tin doanh nghiệp để các công ty tài chính nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung có thể ứng dụng chuyển đổi số. Đặc biệt là xác thực khách hàng điện tử một cách thuận lợi, đơn giản.
Ba là, Nhà nước sớm thực hiện tốt chiến lược tài chính toàn diện, nhất là phổ biến kiến thức tài chính.Hiện người dân khó tiếp cận hoặc không muốn tiếp cận vốn ngân hàng, thậm chí là trả nợ không đúng hạn đôi khi do nhận thức của họ về dịch vụ tài chính ngân hàng còn hạn chế…
Xin cảm ơn ông!