Công nghiệp hỗ trợ cần nhiều động lực hơn
Ưu đãi thuế với dự án công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển | |
Công nghiệp hỗ trợ: Nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu | |
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Tận dụng cơ hội mới để bứt phá |
Hiện nay, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (DN CNHT) của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, số lượng DN hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
Ảnh minh họa |
Theo nhận định của chuyên gia, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật… Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam nhìn chung còn nhiều hạn chế, cần nhanh chóng thay đổi, khắc phục. Có thể kể đến như trình độ kỹ thuật, năng suất của DN CNHT của nhiều địa phương còn khá thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, quy mô nhỏ, việc đầu tư trang thiết bị còn hạn chế, tính liên kết chưa cao… Vì vậy, ngoài nỗ lực bản thân, các DN CNHT còn rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ để nâng cao năng lực, gia tăng kết nối với các DN trên thế giới, hình thành liên kết chuỗi.
Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, nhất là thúc đẩy sản xuất CNHT để tăng cường tính tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, hạn chế tác động của đứt gãy nguồn cung.
Trong đó, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT và Nghị quyết 124 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, nhằm tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường, giải quyết đầu ra cho DN, tháo gỡ khó khăn cho DN CNHT, Bộ kiến nghị Chính phủ một số chính sách về thuế phí như giảm 50% thuế trước bạ, lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)… để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
Và mới đây nhất, Chính phủ đã ký Nghị định 57/2021 về ưu đãi thuế Thu nhập DN (TNDN) đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT. Theo đó, trường hợp DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT kể từ ngày tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT... Với những ưu đãi cụ thể này, nhiều DN CNHT cho rằng sẽ tạo điều kiện thiết thực để tiết giảm chi phí trong bối cảnh khó khăn, ngưng trệ vì dịch bệnh để tập trung cơ cấu lại sản xuất.
Đại diện Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú) cho biết, công ty chuyên thiết kế và chế tạo khuôn mẫu các loại cho nhựa, dập kim loại, đúc áp lực, nhất là khuôn dập liên hoàn các sản phẩm kim loại, sản xuất linh kiện, chi tiết máy từ bột kim loại bằng công nghệ thiêu kết... Đồng thời là DN có sản phẩm CNHT xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc... nên công ty đầu tư các thiết bị, máy móc bằng công nghệ hiện đại, điều khiển bằng chương trình số, giúp sản phẩm của công ty tham gia được vào chuỗi cung ứng các sản phẩm CNHT toàn cầu. Hiện, công ty tiếp tục đầu tư nhà máy tại Khu công nghệ cao TP. HCM để mở rộng quy mô sản xuất.
Có được kết quả này, một phần nhờ vào chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Chính phủ đối với lĩnh vực CNHT về điều kiện thu hút đầu tư, thuế, vốn vay, lãi suất. Trong đó, phải kể đến những chương trình như hỗ trợ 100% lãi vay vốn ngân hàng theo chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT, ưu đãi thuế TNDN, lùi thuế TTĐB... đã tạo ra động lực để DN CNHT phát triển mạnh mẽ hơn.
Để thúc đẩy phát triển ngành CNHT, TP. HCM đã ban hành Chương trình phát triển CNHT giai đoạn năm 2019 - 2025. Mục tiêu chung của chương trình là tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các DNNVV đang hoạt động ở lĩnh vực CNHT. Ðến năm 2025, phấn đấu phát triển CNHT, sản phẩm CNHT tiêu biểu đạt tỷ lệ nội địa hóa của bốn ngành công nghiệp trọng yếu, hai ngành công nghiệp truyền thống tăng bình quân 7% - 9%. |