CS-MAP hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu |
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội, sinh kế cho hơn 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia (năm 2020). Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo liên quan đến trên 50% dân số, thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do biến động thị trường, thiên tai và BĐKH. Bảng đo lường Chỉ số rủi ro về khí hậu toàn cầu năm 2016 đã xếp Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 1995-2014.
Lễ ra mắt và chuyển giao CS-MAP cho các đối tác địa phương |
Trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thực hiện nhiều chương trình lớn nhằm phát triển bền vững nông nghiệp dưới tác động ngày càng tăng của BĐKH. Điều này không chỉ đóng góp quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH và phát triển kinh tế dài hạn, biến những bất lợi của BĐKH thành lợi thế, mà còn góp phần cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng của từng vùng, trong khi các giải pháp thích ứng phi công trình gắn với các điều kiện tự nhiên và sản xuất của các địa phương chưa được phát triển và ứng dụng nhiều.
Để chủ động đối phó với các rủi ro liên quan tới khí hậu, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, đồng thời hài hòa trong định hướng phát triển liên kết vùng, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Chương trình CCAFS khu vực Đông Nam Á và các địa phương liên quan xây dựng Bản đồ rủi ro khí hậu và kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu (CS-MAP).
CS-MAP là một công cụ tiếp cận có sự tham gia, tích hợp kiến thức địa phương với nghiên cứu khoa học để xây dựng bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với BĐKH cho sản xuất lúa, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. CS-MAP đã được triển khai có hiệu quả tại 5 vùng sinh thái của Việt Nam nhằm giúp nông dân giảm thiểu và ứng phó với rủi ro khí hậu như lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, bộ ấn phẩm CS-MAP sẽ giúp nông dân có kế hoạch sản xuất phù hợp và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ có thêm căn cứ để xây dựng kế hoạch sản xuất các mùa vụ thích ứng với BĐKH. Qua đó, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng nông sản tại địa phương.
Thông qua việc ứng dụng CS-MAP, hàng trăm ngàn héc-ta lúa đã được gieo trồng sớm hơn so với lịch thời vụ thông thường để giảm thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Với việc triển khai thành công ứng dụng CS-MAP cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó nhân rộng ở các vùng sản xuất lúa gạo khác thuộc 43 tỉnh/thành của Việt Nam như Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, có điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng.
Trên cơ sở kết quả thí điểm CS-MAP, Bộ NN&PTNT chủ trương mở rộng áp dụng CS-MAP trong sản xuất lúa và hoa màu ngắn ngày để hôm nay có thể ra mắt bộ ấn phẩm gồm 4 tập Atlas CS-MAP trong sản xuất lúa và hoa màu ngắn ngày cho 5 vùng sinh thái và 41 tỉnh/thành của Việt Nam. 1 tập Atlas CS-MAP trong sản xuất cây ăn quả, thí điểm tại 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Sáng kiến CS-MAP hôm nay sẽ được CCAFS tiếp tục chia sẻ tại COP 26, nhằm áp dụng rộng rãi hơn ở cả khu vực Đông Nam Á, Tây Á giúp có nhiều nông dân sản xuất nhỏ thích ứng với BĐKH.
TS. Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, với thực trạng của Việt Nam là đa dạng về địa hình, đa dạng về loại cây trồng và ảnh hưởng của khí hậu rất khác nhau ở từng địa phương, do vậy, CS-MAP cũng sẽ được phát triển theo hướng mở rộng áp dụng tới nhiều đối tượng hơn, linh động hơn theo những điều kiện cụ thể hơn của từng địa phương và phù hợp hơn theo những kịch bản hạn mặn khác nhau,
Có thể khẳng định CS-MAP hỗ trợ rất tốt cho Cục Trồng trọt và các tỉnh chủ động xây dựng phương án quản lý sản xuất lúa thích ứng với BĐKH của từng tỉnh và cho toàn vùng, đặc biệt phù hợp với chủ trương sản xuất theo Nghị quyết 120/ NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.
Theo Cục Trồng trọt, CS-MAP có thể được lồng ghép vào các chính sách và kế hoạch của ngành và quốc gia, ví dụ như kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để giảm thiểu tác hại của BĐKH trong ngành nông nghiệp, và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước và vùng giai đoạn 2021-2025.
Để bộ tài liệu CS-MAP phát huy hiệu quả cao hơn trong sản xuất, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị như Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp các viện nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT nhân rộng bộ tài liệu này đến các địa phương trong cả nước.
Các địa phương căn cứ vào thông tin, phương pháp trong bộ tài liệu này để bố trí thời vụ, cơ cấu cây trồng thích ứng với các điều kiện cụ thể của địa phương mình. Tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng và nhiều vùng với nhau mới mong đem lại hiệu quả cao nhất.