Cửa hàng tiện lợi chủ động nắm bắt cơ hội
Chuyển đổi số trong ngân hàng: Nhận thức sâu sắc, chủ động nắm bắt cơ hội |
Thị trường hấp dẫn
Nền kinh tế đang dần hồi phục, nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước… Trên địa bàn Hà Nội, ước tính quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 184,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây được cho là những tín hiệu tích cực đối với thị trường bán lẻ sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Những con số này phần nào khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Hiện thị trường bán lẻ đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, trong đó, có không ít các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Central Group, AEON, Circle K, K Mart… Đáng chú ý, mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang được các doanh nghiệp tích cực triển khai mở rộng thị phần bằng cách liên tục mở thêm các cửa hàng trên toàn quốc, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Trên thực tế, mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang ngày càng trở nên phổ biến với nhiều thương hiệu đến từ nước ngoài như Circle K hay GS25, Family Mart, 7 Eleven... hay các thương hiệu của doanh nghiệp trong nước như WinMart+, Saigon Co.op, Bách hóa xanh...
WinMart+ đang nắm giữ nhiều lợi thế với hệ thống phủ rộng khắp các tỉnh thành. |
Là một trong những thương hiệu mới vào Việt Nam được 4 năm, nhưng đến nay GS25 cũng đã phát triển được 200 cửa hàng tiện lợi, chủ yếu khu vực các tỉnh phía Nam. Đại diện GS25 cho biết thị trường mua sắm tiện lợi ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam và mô hình cửa hàng tiện lợi GS25 đang phát triển thuận lợi.
Cuối năm 2022, GS25 chính thức khai trương cửa hàng Wine25, đánh dấu cột mốc đặc biệt - cửa hàng thứ 200. Bên cạnh đó, đây còn là cửa hàng tiện lợi flagship (cửa hàng được đánh giá lớn nhất, hiện đại nhất trong chuỗi cửa hàng bán lẻ) đầu tiên tại Việt Nam, với nhiều sản phẩm cao cấp, chất lượng độc quyền. Đặc biệt hơn, đây còn là cửa hàng tiện lợi đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với Life4cuts, thương hiệu ảnh chụp lấy liền phong cách Hàn Quốc. Nhờ đó, khách hàng không chỉ có thể thoải mái mua sắm, trải nghiệm tại Wine25 mà còn có thể lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ cùng bạn bè, người thân một cách đặc biệt nhất.
Với phương châm không ngừng cải thiện và phát triển để mang đến cho khách hàng những dịch vụ, sản phẩm với chất lượng tốt nhất, GS25 Việt Nam tin rằng trong thời gian tới sẽ mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiện ích cũng như văn hoá ẩm thực độc đáo và chất lượng hơn.
Là thương hiệu khá đình đám đến từ nước Mỹ, Circle K ra mắt tại Việt Nam từ cuối năm 2008, chuỗi cửa hàng tiện lợi Mỹ này đã trở nên thân thuộc với thế hệ trẻ. Đến nay, với hơn 400 cửa hàng, tập trung tại TP.HCM và Hà Nội, thương hiệu này đang khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường. Circle K đã thay đổi thói quen của nhiều người Việt khi có thể dễ dàng mang những gì mình muốn về nhà và tâm sự cùng bè bạn thay vì chọn quán cà phê, phòng trà như trước đây.
Doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế sân nhà
Có thể thấy, sức hấp dẫn của mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang thu hút đặc biệt sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, cũng gây áp lực không nhỏ đến các doanh nghiệp trong nước.
Hiện, các doanh nghiệp trong nước với nhiều lợi thế cũng đã không ngừng phát triển và mở rộng quy mô phủ sóng ở hầu khắp các tỉnh thành. Theo thống kê, hiện WinMart+ có 2.873 cửa hàng; Bách hóa xanh 1.824 cửa hàng; Hệ thống Co.op Food thuộc Saigon Co.op có 391 cửa hàng, cùng với chuỗi Co.op Smile và Cheer; Satrafoods (thuộc Satra) với 221 cửa hàng; Hapro Food/BRGmart và BRG Inter-shop thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có 46 cửa hàng...
Các cửa hàng này phân bố ở nhiều địa phương khắp cả nước, trong đó cũng tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phù hợp với xu thế tiêu dùng và nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ, dù thị trường gặp nhiều khó khăn, WinCommerce vẫn liên tục mở rộng, đầu tư và đổi mới để trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu. Năm 2022, WinCommerce đã tăng tốc mở rộng quy mô với 10 siêu thị WinMart, 777 cửa hàng WinMart+ được mở mới. Đồng thời, ra mắt thành công hệ sinh thái WINLife, khai trương gần 100 cửa hàng WIN, thu hút hơn 500.000 khách hàng tham gia chương trình Hội viên WIN tính đến tháng 11/2022.
Tiếp đà phát triển, trong năm 2023, công ty dự kiến mở mới hơn 1.500 điểm bán, đưa quy mô toàn chuỗi chạm mốc 5000 siêu thị và cửa hàng, có mặt tại 63 tỉnh thành. Mục tiêu là đến năm 2025, WinCommmerce sẽ kết nối 30 - 50 triệu người tiêu dùng Việt thông qua 8.000 siêu thị - cửa hàng và mô hình partnership (hợp tác, liên kết) số 1 thị trường; doanh thu online chiếm 10% doanh thu; tăng số lượng khách hàng phục vụ mỗi ngày từ 600.000 lên 2 triệu.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, năm 2023 Tổng công ty tiếp tục tập trung nguồn lực để chấn chỉnh, củng cố các hoạt động của hệ thống, nâng cao hiệu quả kinh doanh, trong đó lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo tích lũy và nền tảng phát triển bền vững cho các năm tiếp theo. Saigon Co.op triển khai nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 gồm cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hóa - chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh; số hóa trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị; đẩy mạnh, đa dạng hoá thương mại điện tử; đầu tư cho khách hàng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng; nâng cao hiệu quả các mô hình bán lẻ; chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho hoạt động logictics. Saigon Co.op phấn đấu mục tiêu doanh số 2023 tăng trưởng 4,0% so với cùng kỳ.