Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi: Xu hướng của bán lẻ hiện đại
Masan sẽ tập trung đẩy mạnh mảng siêu thị mini VinMart+ | |
Kênh thương mại hiện đại hút khách mua hàng |
Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang ngày càng được ưa chuộng |
Hiện nay, không khó để tìm một cửa hàng tiện lợi trong các thành phố lớn, thậm chí loại hình này còn xuất hiện với mật độ dày đặc. Nếu năm 2010, cả nước mới có khoảng hơn 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại thì đến năm 2019 lần lượt đã là 1.085 và 240. Cùng với đó, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các đô thị.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt Nam hiện nay chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Còn theo Nielsen, tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam hiện đã tăng 200% mỗi năm.
Không chỉ tăng nhanh về số lượng, hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng đang cho thấy ưu thế trong việc nâng cao doanh thu. Đơn cử như với hệ thống bán lẻ VinCommerce của Masan hiện đang là đơn vị sở hữu nhiều điểm bán lẻ lớn nhất Việt Nam với hai hệ thống gồm đại siêu thị VinMart và chuỗi siêu thị VinMart mini. So sánh hai hệ thống này, thì VinMart mini đã ghi nhận doanh thu tăng 51% trong quý II, còn VinMart lại có mức doanh thu giảm 15% so với cùng kì. Do đó, trong nửa đầu năm nay, Masan đã lần lượt đóng cửa các siêu thị VinMart kinh doanh không hiệu quả, giảm từ 133 năm 2019 xuống còn 129. Đồng thời có kế hoạch mở rộng mạng lưới siêu thị mini.
Ngoài VinMart mini, những cái tên quen thuộc khác như: Shop&go, Circle K, B’s mart, FamilyMart… cũng đang ngày càng mở rộng mạng lưới, phủ sóng ở hầu hết các thành phố lớn, phát triển theo chuỗi lên tới hàng trăm cửa hàng.
Theo các chuyên gia bán lẻ, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có nhiều ưu điểm khiến cho loại hình này ngày càng được ưa chuộng. Người dân có thể mua từ cái kim, sợi chỉ, mớ rau cho đến việc nộp tiền điện, mua vé máy bay… ở ngay đó. Ưu thế đầu tiên là do chi phí thấp khi chỉ cần một không gian khoảng 100 m2, từ 2-3 nhân viên nên giá hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ hấp dẫn hơn siêu thị. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán tại đây vô cùng nhanh gọn, mặc dù chỉ có khoảng 3.000 - 5.000 mặt hàng, nhưng toàn thứ thiết yếu. “Nếu mua một cân đường hay túi bột giặt, người dân sẽ không thích đi siêu thị mà sẽ ghé cửa hàng tiện lợi để mua, giá không chênh lệch, thậm chí còn rẻ hơn, lại tiết kiệm thời gian”, một chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi thường hoạt động 24h mỗi ngày cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh khi người dân có thể mua hàng bất cứ lúc nào khi cần thiết. Đối với các bạn trẻ, công nghệ không chạm, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sử dụng mã QR, dịch vụ ăn uống, có chỗ ngồi sạch đẹp, thoáng mát… cũng là những yếu tố khiến cửa hàng tiện lợi được ưa chuộng hơn.
Nhận định về sự phát triển của siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú chia sẻ, nếu như ở Nhật Bản, cứ khoảng 7.000 dân thì có 1 siêu thị mini, trong khi đó ở Việt Nam, khoảng 20 nghìn - 30 nghìn dân thì mới có 1 siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, các kênh bán lẻ hiện đại này chỉ đang xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, ở vùng nông thôn hầu như không có. Dẫn con số thống kê cho thấy kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25% trong tổng số bán lẻ ở thị trường Việt Nam, ông Phú cho rằng tiềm năng để phát triển các hệ thống bán hàng hiện đại này còn rất lớn, đặc biệt là ở vùng nông thôn trong vòng 5 - 10 năm nữa.
Tuy lợi thế của siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi là rất lớn nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều điều cần chú tâm để các kênh bán hàng này có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Cụ thể, theo ông Phú, đã có luật quy định cụ thể về quản lý siêu thị, trung tâm thương mại nhưng với cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini lại chưa có văn bản pháp quy cụ thể. Bên cạnh đó, các cửa hàng cần đầu tư nguồn sản phẩm chất lượng, cơ sở hạ tầng tốt, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Nhiều bài học về các chuỗi cửa hàng, siêu thị phải đóng cửa do thái độ không tốt, sản phẩm không đảm bảo chất lượng đã cho thấy điều đó.
Mặc dù các con số doanh thu lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng của các siêu thị mini đã chứng minh cho sự hiệu quả của phương thức kinh doanh này, nhưng theo chuyên gia, lợi nhuận bền vững nhất chính là niềm tin lâu dài.
“Trách nhiệm với người tiêu dùng là yếu tố quan trọng. Đơn cử, người mua thân quen ở chợ vì tin tưởng nhau, nên dù trong hoàn cảnh nào, chợ truyền thống vẫn có thể sống tốt”, ông Phú nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để phát triển siêu thị mini, phải gắn với tổ chức sản xuất, không thể trông vào hàng nhập khẩu để cạnh tranh. Đồng thời cũng cần sớm có quy chuẩn về siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để nâng cao chất lượng, tính hiện đại và chuyên nghiệp của các loại hình bán lẻ này.