Cùng nhau vượt qua bão dịch
Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng với một loạt các ngành kinh tế. Việc người dân hạn chế đi lại, không tụ tập đông người cũng khiến nhiều nhà hàng, cửa hiệu tại Hà Nội đã phải tạm thời đóng cửa, có những khách sạn đứng trước nguy cơ phá sản khi mỗi tháng phải gánh trả cả trăm triệu đồng tiền thuê mặt bằng mà không có khách.
Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có quyết định gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc tạm dừng hoạt động của các di tích, quán bar, vũ trường, karaoke trên địa bàn. Lượng khách du lịch đến Hà Nội vì thế chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh cùng với đó là mức chi tiêu của người dân theo đó cũng bị cắt giảm thêm.
Ảnh minh họa |
Thống kê sơ bộ cho thấy, so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị giảm từ 40-50%. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20-30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, shopping mall giảm tới 40%. Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh thu cũng lao dốc không phanh. Nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng kêu cứu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay... để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, trong quý IV/2019, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội dù đã đạt khoảng 1,6 triệu m2, tăng 5% theo quý và 14% theo năm sau khi Aeon Mall Hà Đông với quy mô khoảng 74.000m2 sàn đi vào hoạt động. Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ trung bình toàn thị trường khoảng 105 USD/m2/tháng, trong đó, các quận Đống Đa, Ba Đình có giá thuê thấp hơn, chỉ khoảng một nửa so với Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, công suất cho thuê cao nhất, đạt tới 95% lại là tại quận này. Hiện tại, giá thuê gộp trung bình tầng trệt trong quý này cũng tăng 2% theo quý nhưng giảm -1% theo năm. Nhẩm tính, nếu thuê 50m2 sàn khách thuê mặt bằng phải trả trên 5.000 USD/tháng – một số tiền quá lớn so với thực trạng kinh doanh hiện nay, gây khó khăn khi doanh nghiệp bán lẻ muốn duy trì hoạt động buôn bán, chưa nói đến mở rộng mặt bằng.
Trước thực trạng trên, nhiều chủ tài sản đã quyết định hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng thông qua việc giảm giá thuê mặt bằng hay gói hỗ trợ dành cho cả đối tác thuê mặt bằng lẫn cho khách hàng tới mua sắm... Đây được coi như một chiến lược khôn ngoan. Nếu cứ neo giá thuê mặt bằng ở mức cao trong mùa dịch, cơn lốc trả mặt bằng sẽ mạnh dần lên và đôi bên đều tổn thất.
Đồng tình với động thái trên, ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội của Việt Nam. Đối với lĩnh vực bất động sản, mặt bằng cho thuê là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chủ đầu tư thương mại cần xem xét những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê vượt qua giai đoạn khó khăn này là cần thiết và cần được ủng hộ.